Trung tâm giống Nông nghiệp áp dụng Cơ giới hóa trong sản suất lúa giống

Vụ xuân 2017, Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai triển khai thực hiện mô hình cơ giới hóa trong khâu gieo mạ và cấy trên cánh đồng sản xuất giống tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát.

Trung tâm sử dụng máy cấy Kubota SPW – 48 C, đượcthiết kế nhỏ gọn với công suất 4,3 mã lực (đạt 1,5-2,0 ha/ngày), động cơ xăng OHV, năng suất cấy lúa gấp 20 lần so với cấy tay, hàng cấy thẳng, đều và tiết kiệm mạ. Máy cóthiết kếcố định 4 hàng lúa cách nhau 30 cm hàng dọc, hàng ngang; cây cách cây từ 12 – 15 cm tùy theo giống và mật độ cấy định trước. Máy cấy có kích thước nhỏ gọn có thể vận chuyển một cách nhanh chóng, an toàn từ nơi này đến nơi khác, vận hành linh hoạt, nhịp nhàng: cây mạ nhờ hai tay cấy lấy mạ; lượng mạ được cấy trong mỗi nhánh, khoảng cách giữa các nhánh và độ sâu cấy lúa đều có thể điều chỉnh cho phù hợp với mô hình canh tác và điều kiện ruộng đồng. Máy có khả năng cấy 1 sào lúa trong 15 phút, tương đương 1 ha trong 8 tiếng.

Cấy lúa bằng máy cần sử dụng mạ gieo trên khay, công đoạn làm mạ khay khá đơn giản, dễ thực hiện, giảm chi phí như công lao động so với gieo mạ dược 1/2 -1/3 lần, mạ mọc đều, ít sâu bệnh, dễ theo dõi, chăm sóc. Công suất làm mạ khay đạt 500- 600 khay/ngày cung cấp trên 2 ha lúa cấy (tương đương 8 khay/sào). Sau khi mạ khay đạt 3,5 -3,8 lá (tương đương 15-18 ngày) bắt đầu tiến hành cấy.


Ảnh: Thửa ruộng được cấy bằng máy cấy Kubota SPW – 48 C tại cơ sở sản xuất giống lúa xã Bản Qua, Bát Xát.

Về hiệu quả kinh tế việc gieo mạ và sử dụng máy cấy thay thế cho việc gieo mạ và cấy thủ công tiết kiệm chi phí cho các hộ dân gần 8 triệu đồng/ha (theo tính toán qua các vụ thì chi phí cho gieo mạ và cấy thủ công hết khoảng 22,5 triệu đồng/ha còn đối với giao mạ và cấy bằng máy sau khi tổng hợp thì chi phí hết 14,5 triệu đồng/ha). Mặt khác, cấy bằng máy mật độ thích hợp sẽ tạo độ thoáng giúp cây lúa quang hợp tốt nên cây cứng, khỏe, hạn chế sâu bệnh hại, nhanh bén rễ , đẻ nhánh sớm và tập trung, số nhánh hữu hiệu nhiều nên cho năng suất cao.

Việc đưa máy cấy vào trong sản xuất đã tạo bước đột phá mới trong quá trình gieo cấy, giảm chi phí, giá thành trong sản xuất, giải phóng sức lao động cho nông dân, việc cắt ngắn thời gian lao động trong khâu làm mạ, khâu cấy sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân có thể triển khai thực hiện thêm các công việc khác, đầu tư thời gian tìm kiếm các nguồn sinh kế mới tạo thu nhập cho gia đình, từng bước phát triển kinh tế.