Quá trình hình thành phát triển

Quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm Giống

 

Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp và Trung tâm Thủy sản tại Quyết định số 4326/QĐ-UBND, ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh Lào Cai. Với gần 30 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Giống nông nghiệp Lào Cai đã trải qua bao thăng trầm và vươn lên trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành giống của cả nước. Từ khi mới thành lập chỉ với 8 cán bộ, đến nay Trung tâm đã có 71 cán bộ, với trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, giống thủy sản cũng như trong dịch vụ và kinh doanh. Từ một đơn vị lấy khảo nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi là trọng tâm đã chuyển sang chuyên sâu nghiên cứu chọn tạo để cho ra đời bộ sản phẩm giống lúa lai, giống thủy sản mang thương hiệu Lào Cai được nhiều nơi trong cả nước biết đến. Mỗi năm bộ giống lúa lai LC (LC25, LC270, LC212) đã cung ứng gần 1.000 tấn cho nông dân trên 28 tỉnh thành; giống thủy sản cung cấp hàng triệu con cho 17 tỉnh thành trong cả nước.

Thực hiện công văn số 689/ SNN –TCCB ngày 17/4/2019 của Sở nông nghiệp và PTNT về việc biên soạn cuốn Lịch sử 70 năm ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai (1950-2020). Nhằm thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Lào Cai và ý kiến chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai. Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai báo cáo kết quả thực hiện trong công tác giống nông nghiệp như sau:

I.GIAI ĐOẠN 1992 – 1995: Những ngày đầu thành lập.

 Ngày 01/10/1991, tỉnh Lào Cai được tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội khoá VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12/8/1991. Trong bộn bề khó khăn của một tỉnh miền núi, biên giới chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh sau khi chia tách thì ngành Nông nghiệp cũng không nằm ngoài những khó chung đó mà còn có nhiều nét đặc thù. Đó là một nền nông nghiệp gần như toàn bộ là sản xuất tự túc, tự cấp, ít được cập nhật thông tin cũng như tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới. Cây trồng chính là lúa, ngô hầu như 100% sử dụng giống địa phương và các giống cũ gieo trồng qua nhiều vụ, không được phục tráng thường xuyên, hệ thống khuyến nông chưa ra đời, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở cơ sở rất ít, sản xuất kém phát triển, hiệu quả sản xuất thấp. Năng suất lúa bình quân chỉ đạt khoảng 3 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc toàn tỉnh chỉ đạt 117.900 tấn, bình quân lương thực chỉ đạt 258 kg/người/năm.

Trước hoàn cảnh đó, nhằm đưa các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhất là các tiến bộ về giống để nâng cao năng suất, sản lượng trên địa bàn. Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai đã tham mưu và trình UBND tỉnh ra Quyết định số: 373/QĐ-UB  ngày 30 tháng 12 năm 1992 về việc thành lập Trung tâm Giống và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp Lào Cai. Trung tâm là một đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai có chức năng nhiệm vụ:

+ Khảo nghiệm đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất đại trà.

+ Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực NLN trên địa bàn.

+ Thực hiện các đề tài, dự án trong lĩnh vực NLN.

+ Hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước trong lĩnh vực nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật NLN.

Bộ máy tổ chức gồm: Giám đốc (do đồng chí phó Giám đốc Sở kiêm nhiệm); 01 Phó giám đốc; 03 cán bộ phòng Hành chính – tổ chức và 03 cán bộ phòng Kỹ thuật. Đến tháng 3/1993, Trại rau quả Bắc Hà được Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giao cho Trung tâm Giống NLN Lào Cai quản lý (có 21 cán bộ và công nhân). Trung tâm đã xác định phương châm vừa kiến thiết cơ sở vật chất, vừa xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức và vừa bắt tay vào nhiệm vụ chuyên môn.

Nằm trong hoàn cảnh chung, thị xã Lào Cai mới được tái lập còn rất nhiều khó khăn thì Trung tâm mới thành lập cũng gặp không ít những khó khăn vì con người ít, lại mới tập hợp từ nhiều đơn vị khác nhau về, cơ sở vật chất hạ tầng chưa có, từ địa điểm đặt trụ sở Trung tâm cho tới các phương tiện tối thiểu phục vụ cho đời sống và công tác đều thiếu thốn. Vấn đề đặt ra cho Trung tâm là lựa chọn việc gì cần làm trước, làm sau và chọn xuất phát điểm để đi lên của Trung tâm như thế nào khi đó là một vấn đề nan giải.

Giữa năm 1993, Trung tâm bắt tay thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học như đề tài: “Khảo nghiệm khả năng sinh trưởng, sinh sản, cho sữa đàn Dê F1, F2 lai tạo từ Dê Đực nhập nội từ Trung Quốc”. Đây là giống dê sữa Saanen trên địa bàn Lào Cai. Đây là một trong những đề tài Khoa học đầu tiên của tỉnh Lào Cai sau tái lập.

Vụ Mùa 1993, cũng là vụ đầu tiên Trung tâm tổ chức nhân giống lúa cấp nguyên chủng trên địa bàn tỉnh. Kết quả đã thu được hơn 10 tấn giống CR203 cấp nguyên chủng. Cũng thời gian đó, Trung tâm tiếp nhận hơn 13 ha đất bãi của Nông trường Phú Xuân thuộc xã Gia Phú, Bảo Thắng và tổ chức sản xuất giống ngô Q2 (lúc đó là giống ngô mới), thu hoạch hơn 30 tấn giống cung ứng cho sản xuất. Đánh dấu mốc khởi đầu cho việc nông dân Lào Cai hình thành thói quen hàng vụ đi mua giống lúa, ngô làm thay đổi thói quen tự để giống rồi đem gieo trồng.

Trong thời điểm này, huyện Bắc Hà được cả nước biết đến với đặc sản mận Tam hoa. Trung tâm bắt tay vào công tác bình tuyển và nhân giống mận Tam hoa phục vụ yêu cầu phát triển cây đặc sản này. Từ vườn mận đầu dòng bình tuyển được, hàng năm Trung tâm nhân giống và cung ứng cho tỉnh và một số tỉnh lân cận từ 30.000 đến 50.000 cây giống.

Cùng với lĩnh vực giống cây trồng, Trung tâm cũng đã quan tâm đến giống vật nuôi ngắn ngày phục vụ cho nhu cầu thực phẩm còn thiếu thốn khi đó là cung ứng giống và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà CN giống (gà trắng, tam hoàng, lương phượng…) được Trung tâm bắt tay thực hiện từ tháng 10 năm 1994 khởi đầu cho nghề chăn nuôi gà công nghiệp của Lào Cai.

II.GIAI ĐOẠN 1996 – 2000:  Thực hiện nhiệm vụ chính trị phục vụ các chương trình mục tiêu của Đại hội đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XI

Sau một thời gian xây dựng về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác của Trung tâm về cơ bản đã định hình. Lúc này về tổ chức bộ máy đã tương đối ổn định. Tại Quyết định số 48/QĐ-UB ngày 23/4/1996 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giải thể và thành lập mới một số sở, ban ngành thuộc UBND tỉnh. Theo đó Trung tâm được đổi tên là: Trung tâm Giống Nông Lâm nghiệp Lào Cai trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai. Trung tâm được giao thêm nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp (dự án 327). Biên chế đã có hơn 30 người ngoài ra con một số hợp đồng thực hiện chương trình dự án 327.

Mặc dù sau hơn 3 năm hoạt động, với bộ máy tổ chức đã cơ bản định hình. Song lúc này với rất nhiều nhiệm vụ phải làm, nhưng tất cả đều mới mẻ, đội ngũ cán bộ còn thiếu kinh nghiệm, thông tin chưa được cập nhật, nên đôi lúc còn loay hoay trong việc lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm cho phương hướng phát triển. Được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ngành hữu quan, dưới sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm đã được đầu tư cả về cơ sở vật chất, con người và cơ chế. Trung tâm đã bám sát các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong lĩnh vực nông nghiệp, bắt đầu tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất giống:

  1. 1. Về lĩnh vực giống ngô lai:  Trung tâm hợp tác với viện nghiên cứu ngô và Công ty giống cây trồng miền Nam cung cấp giống bố mẹ và chuyển giao kỹ thuật sản xuất hạt lai F1 đối với giống ngô lai LVN10 và giống P11, P60. Với diện tích hơn 10ha chuyên sản xuất ngô giống hàng năm đã sản xuất và cung ứng từ 70 đến 80 tấn ngô giống F1 chất lượng tốt với giá rẻ hơn các công ty khác từ 15 – 20% phục vụ chương trình sản xuất ngô hàng hoá của tỉnh.
  2. Về lĩnh vực giống lúa lai: Trung tâm đã thực hiện đề tài khoa học; “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 ở Lào Cai”. Mặc dù còn khó khăn và trải qua nhiều thăng trầm nhưng đây là bước khởi đầu cho sự nghiệp phát triển lúa lai của Trung tâm sau này.
  3. Về lĩnh vực giống cây ăn quả: Trung tâm bắt đầu tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu khu vực Trại rau quả Bắc Hà để nghiên cứu, khảo nghiệm và phát triển cây ăn quả ôn đới. Trong giai đoạn này đã khảo nghiệm thành công và phát triển giống Đào Pháp Đ1 và Đ2. Đồng thời liên kết với viện nghiên cứu rau quả, viện BVTV khảo nghiệm các giống Đào, Mận có nguồn gốc từ Úc, giống Hồng giòn Fuju và Jyzo.
  4. 4. Về lĩnh vực chăn nuôi: Trong giai đoạn này, Trung tâm thực hiện đề tài khoa học “Thử nghiệm khả năng sinh trưởng, sinh sản , cảm nhiễm bệnh trong chăn nuôi Trăn”. Ngoài việc khảo nghiệm và cung ứng giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng cho các huyện thị trong tỉnh. Trung tâm còn liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP Lào Cai chăn nuôi đàn lợn nái nền Móng Cái cung cấp con giống lai F1 cho sản xuất; Bên cạnh đó Trung tâm Giống NLN Lào Cai được giao thực hiện một số dự án khoa học như: “Điều tra cơ bản giống Lợn Mường Khương”, “Đánh giá hiện trạng và hướng cải tạo đàn Ngựa huyện Bắc Hà’ và “Điều tra cơ bản đàn Trâu tại huyện Than Uyên và huyện Bảo Yên”
  5. Về lĩnh vực cây lâm nghiệp: Trong khi Chi cục lâm nghiệp chưa ra đời, với vai trò là chủ dự án 327 (sau này là dự án trồng 5 triệu ha rừng của tỉnh). Trung tâm là đầu mối cung ứng giống cây lâm nghiệp và thực hiện các chính sách phát triển rừng trên địa bàn góp phần làm tăng tỷ lệ tán che phủ rừng lên đáng kể.
  6. Về lĩnh vực công nghệ sinh học: Ngoài các lĩnh vực nghiên cứu, khảo nghiệm và sản xuất cung ứng các loại giống cây trồng, vật nuôi truyền thống. Trong giai đoạn này, Trung tâm còn được sự quan tâm của sở khoa học công nghệ thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp. Được đầu tư và chuyển giao kỹ thuật vận hành dây truyền nuôi cấy mô TB thực vật. Bước đầu đã ứng dụng nhân giống thành công bằng nuôi cấy mô đưa ra sản xuất một số giống chuối, mía và cây cảnh. Trên địa bàn Lào Cai đã có một số địa phương được chuyển giao giống mía mới như ROC 10, ROC16 được nhân giống bằng nuôi cấy mô như xã Xuân Quang, Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho năng suất và độ đồng đều cao hơn hẳn giống mía nhân giống bằng phương pháp truyền thống.

Từ cơ sở vật chất sẵn có từ của phòng nuôi cấy mô, Trung tâm đã tổ chức nhân giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm ăn các loại. Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân nhiều huyện thị trong việc cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập cho người dân, khởi đầu cho nghề trồng nấm ở Lào Cai.

III.GIAI ĐOẠN  2001 – 2005:  Xác định hướng đi và đầu tư để phát triển

Sau gần mười năm hoạt động với nhiều lĩnh vực và đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá còn tương đối dàn trải và chưa đi vào chiều sâu. Đến giai đoạn này, Trung tâm xác định muốn phát triển bền vững cần phải tập trung vào một số công việc trọng tâm. Chương trình giống Quốc gia giai đoạn I đã tạo điều kiện cho Trung tâm tiếp cận với nguồn lực về khoa học, công nghệ cũng như tài chính để thực hiện những chương trình và nội dung hoạt động mà Trung tâm đã đặt ra trong giai đoạn mới. Trong đó có ưu tiên, khuyến khích sản xuất giống lúa lai trong nước, nhằm giảm dần việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Lào Cai cũng là một trong những địa phương hàng năm có tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa lai nhiều nhất, nhưng chưa một đơn vị nào có và cung ứng giống lúa lai do Việt Nam sản xuất.

Trung tâm đã mạnh dạn từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất F1, tìm nguồn giống bố mẹ và mở rộng sản xuất. Khởi đầu là vụ Xuân 2001, với hơn 10ha lúa giống Bắc ưu 903 với năng suất còn thấp (1,6 tấn/ha), sản lượng thu được là 16  tấn giống. Mặc dù gặp nhiều khó khăn từ khâu sản xuất đến thu hoạch, chế biến và cung ứng nhưng đã khẳng định lúa lai không nhất thiết phải nhập từ Trung Quốc. Nông dân Lào Cai có thể mua giống lúa lai giá rẻ hơn mà chất lượng tương đương lúa giống nhập nội. Trung tâm đã đầu tư một số cơ sở vật chất như nhà kho, sân phơi và nhà xưởng chế biến sản phẩm phục vụ cho công tác chế biến, bảo quản sản phẩm. Giống lúa lai chủ lực trong giai đoạn này là giống lúa lai dòng Bác ưu 903 và Việt lai 20. Sản xuất hạt giống lúa lai hai dòng Việt lai 20 là chương trình hợp tác đầu tiên giữa Trung tâm và trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Trung tâm đã phát huy lợi thế và ưu thế của Lào Cai có các vùng tiểu khí hậu như Bắc Hà, Sa Pa là những vùng có thể duy trì và sản xuất hạt giống dòng mẹ cho các tổ hợp lai hai dòng 103S, 135S. Từ đó đã mở ra cho Trung tâm hướng nghiên cứu sản xuất và  hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia đầu ngành để phát triển lúa lai cho sau này.

Ngoài ra, Trung tâm còn tập trung vào lĩnh vực cây ăn quả phục vụ cho chương trình phát triển cây ăn quả của tỉnh. Từ năm 2002 đến năm 2004, Trung tâm đã sản xuất và cung ứng hơn 200 nghìn cây giống các loại. Trong khuôn khổ chương trình dự án đa dạng hóa sinh học Trung tâm đã cùng Viện nghiên cứu rau quả thực hiện dự án và xây dựng vườn giống gốc các loại cây ăn quả ôn đới phục vụ cho hoạt động ngiên cứu, chọn tạo giống cây ăn quả ôn đới. Trung tâm đã xây dựng một vườn vật liệu phong phú nhất về cây ăn quả ôn đới. Nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu khảo nghiệm giống mới Trung tâm đã đề xuất và được UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng trại nghiên cứu cây ăn quả ông đới Sa Pa, Tả Phìn, Trại nghiên cứu rau quả Bắc Hà nhằm phục vụ cho chương trình nghiên cứu cây ăn quả nói chung và chương trình hợp tác với vùng Aquitaine cộng hoà Pháp nói riêng. Thông qua nghiên cứu cây ăn quả, nhiều cán bộ kỹ thuật và quản lý có cơ hội học tập nâng cao trình độ bằng việc hợp tác, chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt là chương trình hợp tác làm việc với các chuyên gia Pháp, Úc và các chuyên gia đầu ngành trong nước về lĩnh vực cây ăn quả ôn đới. Được đầu tư từ vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, các đề tài nghiên cứu cũng được thực hiện như: Khảo nghiệm và xây dựng mô hình trồng nho giai đoạn 2004 – 2009”; đề tài:  Duy trì vườn cây giống đầu dòng và xây dựng vư­ờn mô hình cây Lê Tai nung, cây Đào Maycrest/GF 305-1 tại Bắc Hà và Sa Pa”. Xây dựng vườn giống gốc cây đầu dòng đối với một số giống cây ăn quả ôn đới làm cơ sở cho việc mở rộng vùng cây ăn quả ôn đới của tỉnh.

Ngoài một số công việc chính nêu trên, trong thời gian này đội ngũ cán bộ viên chức của Trung tâm rất năng động tìm tòi và tổ chức các hoạt động dịch vụ như trồng hoa lyli, hoa hồng, ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi và trồng trọt, bảo vệ môi trường.

Về lĩnh vực chăn nuôi: Trung tâm tiến hành chăn nuôi đàn gà Bố Mẹ Tam Hoàng và Lương Phượng quy mô 300 mái, tiến hành ấp nở, úm và cung ứng giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng cho các huyện thị trong tỉnh. Trung tâm còn liên kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP Lào Cai chăn nuôi đàn lợn nái nền Móng Cái cung cấp con giống cho sản xuất.

IV.GIAI ĐOAN 2006 – 2010: Khẳng định hướng đi và xác định mũi nhọn cho đầu tư đột phá.

          Sau một số năm mở rộng sản xuất giống lúa lai, đã phát sinh một số vấn đề cần tháo gỡ để tiếp tục phát triển bền vững. Trong đó vấn đề quan trọng và cốt lõi nhất là vấn đề nguồn giống bố mẹ phục vụ cho sản xuất hạt lai. Muốn chủ động về kế hoạch sản xuất và ổn định về chất lượng sản phẩm thì cần phải có nguồn bố mẹ ổn định. Xuất phát từ yêu cầu đó mà Trung tâm đã quan tâm đến công nghệ duy trì và nhân giống bố mẹ đối với các dòng hiện có ở Việt Nam như BoA, Nhị 32A… Sau đó bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó có con đường liên doanh liên kết, hợp tác nghiên cứu, trao đổi chuyển giao công nghệ, sưu tầm nguồn vật liệu khởi đầu, đã đưa sự nghiệp phát triển lúa lai của Trung tâm sang một nấc thang mới đó là chọn được các dòng bố mẹ và tạo tổ hợp lai cho riêng mình. Sự ra đời của các giống lúa lai LC25, LC212 và LC270 đã minh chứng cho các bước đi đã chọn của Trung tâm là đúng đắn và sáng tạo.

Trung tâm chủ động đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật cho Trại nhân giống lúa Bát Xát với các trang thiết bị: nhà lưới, ruộng cặp dòng,… Đồng thời đào tạo, chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ bằng các hình thức thuê chuyên gia trong và ngoài nước, cử cán bộ đi đào tạo. Từ đó đã hình thành đội ngũ cán bộ chuyên nghiên cứu, chọn tạo song song với đội ngũ cán bộ chỉ đạo sản xuất hạt giống.

Thông qua việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu, chọn tạo, nhân giống bố mẹ và hạt lai F1 tương ứng tại Lào Cai giai đoạn 2006- 2009Đã tạo ra nhiều nguồn lực cho sự phát triển lúa lai, đó là công nghệ duy trì các dòng bất dục đực tế bào chất CMS, bất dục đực di truyền nhânTGMS và tập đoàn giống bố làm vật liệu cho công tác lai tạo. Đề tài đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc, sản phẩm của đề tài là các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng tốt được nông dân các địa phương ứng dụng rộng rãi.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển lúa lai, cây ăn quả ôn đới ở giai đoạn này cũng được xác định là mũi nhọn cần được khai thác. Sau một số năm khảo nghiệm, giống Lê VH6 có nguồn gốc Đài Loan tỏ ra thích hợp với điều kiện Bắc Hà nói riêng và các huyện vùng cao nói chung. Trung tâm tiếp tục cho mở rộng khảo nghiệm, bình tuyển, chọn lọc xây dựng vườn cây đầu dòng, đồng thời áp dụng kỹ thuật chăm sóc, đốn tỉa tạo tán theo công nghệ Đài Loan. Cùng với công nghệ này thì Lê VH6 là một đặc trưng riêng có của Trung tâm giống NLN Lào Cai.

Từ những thành tích đạt được trong nghiên cứu và hoạt động khoa học công nghệ, tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật công nghệ tỉnh Lào Cai lần thứ nhất năm 2009 – 2010, Trung tâm đã có 2 sản phẩm giống cây trồng đạt giải nhất và giải nhì. Đồng thời 8 cá nhân được tặng bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn LĐVN, tập thể Trung tâm được Liên đoàn LĐ tỉnh Lào Cai tặng bằng khen.

Cùng với những thành công trong công tác nghiên cứu thì sản xuất giống cũng được đẩy mạnh cả về quy mô diện tích, chủng loại và năng suất. Năm 2007, sản xuất được 108 tấn lúa lai. Năm 2008, sản xuất được 28 tấn do thời tiết thay đổi bất thường rét đậm, rét hại là mạ chết rét, diện tích giảm mạnh. Năm 2009 là năm đầu tiên đột phá về sản xuất, diện tích 127 ha, sản lượng đạt 258,2 tấn đạt 112,3%. Năm 2010, tổ chức sản xuất 192 ha, sản lượng đạt 352 tấn, tiêu thụ được 278 tấn. Từ chỗ chỉ sản xuất một giống lúa với diện tích vài chục ha nay đã nâng lên hàng trăm ha với 4 giống chủ lực, năng suất đạt trên 3 tấn/ha, đạt mục tiêu đảm bảo sản xuất và cung ứng 60% nhu cầu của tỉnh về các giống lúa lai chất lượng cao.

Cũng trong giai đoạn này UBND tỉnh cho thành lập Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai để thực hiện xứ mệnh nghiên cứu, sản xuất, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nhân dân trong tỉnh. Từ năm 2006 – 2010 tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất tại các Trại sản xuất, tuyển dụng cán bộ chuyên môn và hợp tác với các tỉnh, thành để lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với tỉnh Lào Cai để chuyển giao cho nhân dân. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác nghiên cứu sản xuất giống thủy sản để cung cấp con giống tại chỗ cho nhân dân tránh phụ thuộc vào nguồn con giống từ bên ngoài. Đề tài Tiếp nhận công nghệ sinh sản nhân tạo cá rô phi đơn tính đực, cá chép V1 được thực hiện đã cung cấp con giống chất lượng cao cho nhân dân nuôi trồng thủy sản trong tỉnh phát triển mở rộng diện tích nuôi hàng năm. Hợp tác với Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để tiếp nhận công nghệ, đào tạo cán bộ lĩnh vực thủy sản nước lạnh một thế mạnh của tỉnh Lào Cai.

Đồng thời với việc mở rộng sản xuất thì mạng lưới tiêu thụ của Trung tâm đã hình thành. Từ chỗ chỉ trông chờ tiêu thụ thông qua vật tư nông nghiệp đến giai đoạn này Trung tâm đã mở rộng hệ thống bán lẻ, đại lý tiêu thụ không những trong tỉnh mà còn vươn xa ra nhiều tỉnh khác, bước đầu đã khẳng định uy tín và thương hiệu giống lúa Lào Cai.

  1. GIAI ĐOẠN 2010 – 2015: Củng cố, khẳng định uy tín và tiếp tục phát triển

Trung tâm xác định con đường tiếp theo một mặt phải củng cố những kết quả đã đạt được đó là đẩy mạnh sản xuất, cung ứng bộ giống đã có ra sản xuất. Năm 2011 – 2012 Trung tâm đã có 3 giống lúa lai là LC25, LC212, LC270 và 01 giống cây ăn quả là giống Lê VH6 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng mới.

Trung tâm đã và đang khép kín chuỗi quy trình từ nghiên cứu chọn lọc, lai tạo và tổ chức sản xuất đến cung ứng ra thị trường. Từ khâu thu thập nguồn vật liệu lai tạo phong phú từ nguồn trong nước và nhập nội, cải tạo dòng giống cho ra đời những dòng bố mẹ mới. Hàng năm Trung tâm sản xuất 300ha các giống lúa lai do Lào Cai chọn tạo cung cấp cho sản xuất 500 – 600 tấn giống/ năm, đáp ứng 180.000- 200.000ha sản xuất lúa. Năm 2011, sản xuất được 183,5 ha, sản lượng 444 tấn. Năm 2012, sản xuất diện tích 286,4 ha ha/sản lượng gần 600 tấn, năm 2013 là 315,8 ha/sản lượng 704 tấn. Năm 2014, tổ chức sản xuất 317 ha, sản lượng đạt  717 tấn. Năm 2015, tổ chức sản xuất 376,8 ha, sản lượng đạt 813tấn.

Chủ động sản xuất và cung ứng trên 60% nhu cầu giống lúa tốt cho nhân dân, hoàn thành và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra, góp phần chủ động được sản xuất giống lúa lai tại chỗ, không phụ thuộc vào bên ngoài, khống chế được giá nhập khẩu, kiểm soát được chất lượng hạt lai, giá thành 1 kg thóc giống giảm 15-20% so với giá nhập khẩu, tiết kiệm ngân sách nhà nước nhiều tỉ đồng…

Hàng năm Trung tâm Giống NN Lào Cai tiến hành hợp tác với các đơn vị sản xuất giống các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nam Định, Nghệ An tổ chức sản xuất hạt giống đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giống lúa lai do Lào Cai chọn tạo. Hiện nay Lào Cai là Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và nhân giống lúa lai xếp hàng đầu của cả nước. Năm 2010, Bộ nông nghiệp & PTNT đã có văn bản số 726/BNN-KH ngày 17/3/2010 về chủ trương qui hoạch vùng sản xuất giống lúa bố mẹ và vùng sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại Lào Cai với tổng số vốn là 271 tỷ đồng, với qui mô 60ha nhân dòng bố mẹ tại Bắc Hà và vùng sản xuất hạt giống lúa lai 500ha đáp ứng được mục tiêu chủ động sản xuất tại chỗ mỗi năm 1.200 tấn hạt giống lúa lai F1 cung ứng cho tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói riêng.

Phát huy những thành tựu đã đạt được Trung tâm đã xác định hướng chọn tạo giống mới theo hướng chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với yêu cầu của sản xuất trong tương lai. Các bộ giống Tân Việt hương 135, 136, 137 do Trung tâm chọn tạo sinh trưởng khỏe, nhiễm nhẹ sâu bệnh, năng suất cao và đặc biệt là chất lượng gạo ngon nhờ tích lũy được ưu điểm của dòng mẹ 136A do Trung tâm nghiên cứu và duy trì.

Bằng nỗ lực của mình và uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã thực hiện nhiều dự án cấp Bộ và cấp tỉnh như Dự án sản xuất thử giống lúa lai 3 dòng và 2 dòng của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Dự án của Bộ KHCN: Xây dựng mô hình sản xuất và bảo quản khoai tây giống tại tỉnh Lào Cai; Dự án cải tạo vùng mận Tam hoa Bắc Hà, dự án phát triển cây ăn quả ôn đới tại Lào Cai; Dự án sản xuất khoai tây giống tại Lào Cai. Thực hiện thành công các dự án này đã khẳng định uy tín chính trị của Trung tâm với lãnh đạo các cấp, giúp Trung tâm tăng thêm nguồn lực về cơ sở vật chất và nâng cao trình độ năng lực về con người. Đào tạo cơ bản nguồn cán bộ nghiên cứu ở trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực chọn tạo giống cây trồng. Các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã nắm bắt và chủ động nghiên cứu, tìm tòi nguồn vật liệu mới, ứng dụng các phương pháp nghiên cứu chọn tạo mới cho ra đời những bộ giống lúa lai năng suất cao chất lượng tốt. Hiện nay Trung tâm đã có 6 đồng chí trình độ Thạc sỹ và cử 01 đồng chí theo học chương trình Tiến sỹ, 38 đồng chí có trình độ đại học và nhiều cán bộ được đào tạo theo chuyên ngành khác nhau.

Để có điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ nói trên thì cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm cũng không ngừng được đầu tư cả về bề rộng và chiều sâu. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho công tác nghiên cứu như kiến thiết đồng ruộng, mua sắm dụng cụ, máy móc chuyên dùng thì các cơ sở phục vụ sản xuất đã được nâng cấp cải tạo. Đến nay Trung tâm đã có hơn 1.000m2 nhà xưởng, hơn 10.000m2 sân phơi cùng hệ thống sàng sấy và phòng kiểm nghiệm hạt giống phục vụ công tác quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn và các thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu giống cây trồng mới đã được đầu tư.

Phát huy những thành quả đạt được, Trung tâm Giống NN Lào Cai xác định cho mình mục tiêu cần đạt được trong thới gian tới như sau:

Nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm 4 – 5 giống lúa lai mới có năng suất, chất lượng gạo ngon, chống chịu sâu bện mang bản quyền của Trung tâm. Đồng thời phấn đấu Lào Cai là một trong những vùng sản xuất giống lúa lai lớn trong quy hoạch phát triển của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Phát huy thế mạnh cây ăn quả ôn đới, chuyển giao kỹ thuật, phát triển cây ăn quả ôn đới, đưa Lào Cai trở thành vùng cây ăn quả ôn đới của cả nước với  những giống hoa quả đặc sản như đào, mận , lê VH6, nho, dâu tây …  Khai thác lợi thế có nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau để phát triển rau hoa ôn đới.

Thực hiện tốt các dự án phát triển sản xuất khoai tây giống các cấp (giống gốc, giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng…)  biến Lào Cai trở thành vùng sản xuất khoai tây giống sạch bệnh cung ứng giống khoai tây cho vùng đồng bằng sông Hồng và trung du, miền núi phía Bắc.

Ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống các loài rau hoa đặc sản và các giống cây trồng mới nhập nội bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ứng dụng các phương pháp nhân giống mới bằng phương pháp khí canh…

Xây dựng và chuẩn hóa phòng kiểm nghiệm hạt giống cây trồng đạt tiêu chuẩn phòng kiểm nghiệm Quốc gia nhằm phục công tác quản lý chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và giống nhập khẩu hàng ứng năm qua cửa khẩu Lào Cai.

Nâng cao chất lượng các loại giống thủy sản hiện Trung tâm đang làm chủ công nghệ; di nhập thuần hóa, bảo tồn và lưu giữ nguồn gen các đối tượng thủy sản quý hiếm phân bố trên địa bàn tỉnh. Chọn tạo thành công 1 – 2 giống thủy sản có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân trong tỉnh. Nghiên cứu, tiếp nhận một số công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến chuyển giao cho nhân dân áp dụng. Trong giai đoạn này công tác nghiên cứu, sản xuất được nâng cao rõ rệt so với giai đoạn 2006 – 2010 giai đoạn này có những bước tiến vượt bậc. Từ chỗ con giống phụ thuộc vào các tỉnh, phải hợp tác để sản xuất đến chủ động hoàn toàn công nghệ (Năm 2006 sản xuất 0,7 triệu con/năm đến năm 2010 đã sản xuất đạt 4 – 5 triệu con các loại) và một phần con giống chất lượng cao đã được quảng bá, giới thiệu ra các tỉnh khác. Trung tâm bắt đầu chú trọng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án đặc sản tập trung ở các huyện trong điểm phát triển thủy sản của tỉnh. Giai đoạn này đã chuyển giao mạnh mẽ công nghệ nuôi cá lồng bè trên hồ chứa từ chỗ người dân chỉ khai thác cá tự nhiên trên hồ đã chuyển sang nuôi cá lồng, hình thành những làng nghề phát triển bền vững, hiệu quả.

Mở rộng mạng lưới cung ứng sản phẩm, sẵn sàng liên doanh, liên kết với các đơn vị và cá nhân trong và ngoài tỉnh làm đại lý phân phối đưa các giống mới của Trung tâm đến với nông dân trong cả nước.

VI.GIAI ĐOẠN 2016 – 2020:  Phát triển và mở rộng thị phần giống do Lào Cai sản xuất.

Nhằm sắp xếp cơ cấu tổ chức và bộ máy hoạt động của Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai. Ngày 02/12/2016 sáp nhập Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai vào Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp tỉnh Lào Cai và đổi tên thành Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai. Đến nay Trung tâm có 63 cán bộ công nhân viên chức (61 viên chức và 02 hợp đồng 68). Đội ngũ cán bộ rất chuyên sâu về chọn tạo, sản xuất giống lúa, khoai tây, cây ăn quả ôn đới, giống thủy sản và nhiều chuyên ngành khác.

Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai gồm 04 Phòng chuyên môn gồm Phòng Hành chính-Quản Trị; Phòng Kỹ Thuật; Phòng Kinh doanh; Phòng Kế hoạch – Tổng hợp và 05 Trại gồm: Trại Nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp Bát Xát; Trại Nghiên cứu và sản xuất rau quả Bắc Hà; Trại Nghiên cứu và sản xuất giống cây ăn quả ôn đới Sa Pa; Trại Nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản cấp 1 Phú Nhuận; Trại Nghiên cứu và sản xuất lúa Văn Bàn.

Hiện Trung tâm đang quản lý 48 ha đất đai, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu và nhân giống cây trồng. Ngoài ra hợp tác với nhân dân 300 ha để sản xuất giống lúa. Cơ sở nghiên cứu gồm các hệ thống trạm trại Sa Pa, Tả Phìn; Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn và khu vực Trung tâm, với hệ thống nhà lưới, ruộng thí nghiệm, Nhà sinh trưởng, tủ điều khiển xác định ngưỡng bất dục cây trồng, phòng kiểm nghiệm hạt giống đạt chuẩn, đảm bảo các yêu cầu về nghiên cứu.

Trung tâm có 3 xưởng chế biến hạt giống với công suất chế biến đạt 60 tấn hạt giống/ngày (tại Văn phòng Trung tâm, Trại Nghiên cứu sản xuất giống lúa Bát Xát và Văn Bàn). Trên 10.000 m2 sân phơi; 1.000 m3 kho lạnh đa năng; trên 1.000 m3 kho mát và 1.000 m3 kho thường đạt chuẩn. Hệ thống đóng gói và kiểm soát chất lượng tự động và in phun mã lô giống, kiểm soát chất lượng và phát hiện hàng giả.

Tiếp tục phát triển và mở rộng thị trường các giống lúa lai LC25, LC212, LC270,Ngoài việc nghiên cứu và phát triển lúa lai, trong nhiệm kỳ chi bộ đã chú trọng lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần như Tân Thịnh 14, Tân Thịnh 15. Đặc biệt giống Tân Thịnh 15 đã được khảo nghiệm sản xuất ở trong và ngoài tỉnh cho kết quả khả quan đang hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản xuất thử vào cuối năm 2017. Về chuyển gen kháng bệnh bạc lá cho giống lúa LC212: đề tài đã được nghiệm thu và xếp loại xuất sắc. Ngoài ra trong quá trình thực hiện đề tài còn chọn lọc được một dòng bố có thể cải thiện về chất lượng gạo của giống LC25 nhằm tăng tính cạnh tranh của giống LC25 trên thị trường.

Năm 2016, diện tích sản xuất 319,5 ha. Sản lượng đạt trên 822,5 tấn; Năm 2017, diện tích  sản xuất 300 ha, sản lượng đạt trên 520 tấn; Năm 2018, sản xuất 258 ha giống lúa, sản lượng đạt 800 tấn giống các loại.Với diện tích sản xuất giống lúa F1 hàng năm, đơn vị đã tạo cơ hội việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600 hộ nông dân trong tỉnh và hàng trăm hộ dân ngoài tỉnh, hiệu quả sản xuất, thu nhập cao trên 1,5 lần so với sản xuất lúa thường. Với năng suất thóc tươi lúa lai F1 trung bình 3,5 tấn/ha, thu nhập trung bình là 57 triệu/ha/vụ, nhiều hộ có thu nhập trên 70 triệu/ha/vụ.

Với lợi thế về khí hậu vùng cao thuận lợi cho cây ăn quả ôn đới phát triển, Trung tâm đã thu thập nguồn vật liệu từ những cây ăn quả bản địa, nhập nội từ Trung Quốc, Đài Loan, CH Pháp, Úc. Hiện đơn vị có trên 100 nguồn gen giống cây ăn quả ôn đới có triển vọng phục vụ cho công tác chọn tạo giống cây ăn quả. Giống lê VH6 mới được công nhận đã phát huy nhiều ưu điểm, được nông dân nhiều địa phương ưa chuộng. Các vườn cây có năng suất, chất lượng quả khá tốt. Năng suất trung bình đạt 10-12 tấn quả/ha. Sản xuất cây giống tập trung tại vườn ươm cây giống của Trại Bắc Hà, Sa Pa, phương pháp nhân giống là ghép cây. Hiện năng lực sản xuất hàng năm của Trung tâm có thể đáp ứng trên 15 – 20 vạn cây các loại phục vụ các chương trình, dự án phát triển cây ăn quả ôn đới trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra còn thực hiện duy trì tốt vườn cây đầu dòng mận Tam hoa Bắc Hà, lê VH6, Đào Pháp, Hồng… nhằm cung cấp nguồn mắt ghép chất lượng cho sản xuất giống cây ăn quả ôn đới tại Lào Cai. Các vườn cây sinh trưởng, phát triển và có năng suất, chất lượng quả khá tốt. Nhìn chung các giống cây ăn quả được chọn lọc qua nhiều năm đến nay đều được các chuyên gia và nông dân đánh giá cao về khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái, góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh

Với việc làm chủ công nghệ sản xuất các đối tượng chủ lực của tỉnh như công nghệ sản xuất giống cá chép lai, cá rô phi đơn tính… và từ kết quả đạt được của Đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá chiên trong điều kiện tỉnh Lào Cai” và Đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm nuôi cá Bỗng nước ngọt sạch ở vùng cao tỉnh Lào Cai” được Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh đánh giá xếp loại Khá, đây là cơ sở quan trọng mở ra hướng đi mới cho việc sản xuất các loại giống bản địa, có giá trị kinh tế cao, cũng như ý nghĩa rất lớn trong khoa học, bảo tồn và phát triển những giống thủy sản quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Qua đó, tay nghề của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã được nâng lên, đồng thời Trung tâm chủ động được nguồn giống thủy sản chất lượng cao cung cấp cho nhu cầu nhân dân trong và ngoài tỉnh. Năm 2016, sản xuất được trên 12 triệu cá bột và 5,5 triệu cá giống; Năm 2017, sản xuất trên 15 triệu và cung ứng 5,5 triệu con; Năm 2018 sản xuất 16 triệu và cung ứng đạt 6 triệu giống; Năm 2019 sản xuất 30 triệu cá bột và cung ứng 14,9 triệu con . Các giống cá chủ lực sản xuất gồm cá rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ và một số đối tượng thủy đặc sản như cá chiên, cá lăng, trắm đen…, với chất lượng tốt, sạch bệnh cung ứng rộng rãi trong tỉnh, đáp ứng một phần nhu cầu giống cho bà con nông dân. Đặc biệt dòng cá chép chọn giống của Trung tâm mang thương hiệu Lào Cai đã được thị trường trong và ngoài tỉnh triển khai nuôi rất rộng vì vậy đã được UBND tỉnh Lào Cai đưa vào là một trong những đối tượng tiềm năng của tỉnh trong giai đoạn này.

Sau gần 30 năm thành lập, cùng với sự phát triển KT-XH của một tỉnh miền núi, biên giới như Lào Cai sau tái lập.Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai đã xây dựng, trưởng thành đi lên mặc dù trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng đã đạt được những thành tựu quan trọng và to lớn đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Lào Cai. Để đạt được kết quả đó, trước hết phải kể đến là sự nỗ lực phấn đấu hết mình của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ viên chức của Trung tâm qua các thời kỳ, các thế hệ sau tiếp bước thế trước như cuộc chạy đua tiếp sức cho ra đời những giống cây trồng mới cho bà con nông dân.

 Trung tâm Giống Nông nghiệp Lào Cai tự hào đã được Đảng và nhà nước ghi nhận bằng phần thưởng của nhiều cấp. Trong số đó có nhiều danh hiệu thi đua cao quý cho tập thể và cá nhân như: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Cờ thi đua của UBND tỉnh Lào Cai và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Lào Cai, các Bộ, Ngành. Các sản phẩm của Trung tâm đã 2 lần đoạt giải trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai lần thứ nhất và thứ hai. Hơn nữa rất vinh dự trong 56 sản phẩm, giải pháp công nghệ vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT trao tặng giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ nhất năm 2012, giống lúa lai LC25 đã vinh dự là 1 trong 6 giống lúa đoạt danh hiệu bông lúa vàng Việt nam.

Những thành tựu đã đạt được là kết quả của sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài ngành, đặc biệt sự ủng hộ nhiệt tình và thiện chí của bà con nông dân các địa phương, nơi mà Trung tâm đã có cơ hội hợp tác. Đó cũng là kết quả của sự hợp tác và giúp đỡ có hiệu quả giữa Trung tâm và các đối tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực giống nông nghiệp của tỉnh./.

    Chức năng & Nhiệm vụ

      CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA TRUNG TÂM GIỐNG NÔNG NGHIỆP LÀO CAI I- Vị trí, chức năng: 1. Vị trí: Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai là đơn vị…

    Lời giới thiệu

    Với 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai (Lao Cai Seed) đã trải qua bao thăng trầm và vươn lên trở thành một trong…

    Cơ cấu tổ chức

    * Về đội ngũ cán bộ: Hiện Trung tâm có 60 biên chế (56 biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 04 biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp…

    Quá trình hình thành phát triển

    Quá trình hình thành và phát triển của Trung tâm Giống   Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ Trung tâm Giống…