Các biện pháp chống nóng cho thủy sản nuôi trong mùa nắng nóng

Hiện đang là giữa mùa hè, Bắc Bộ thường có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45-65%; thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17 giờ. Đây là thời điểm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường ao nuôi, sinh trưởng và dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi.

  1. Tác hại của nắng nóng

Mỗi loài cá nuôi có một ngưỡng nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng, phát triển, sinh sản. Nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình trao đổi chất của cá, sự tiêu hao ôxy trong ao. Nhiệt độ cao trong mùa nóng còn ảnh hưởng đến chất lượng nước, hoạt lực của một số khí độc, chất độc trong ao.

Nhiệt độ cao cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, nấm… phát triển và gây bệnh cho cá. Hơn nữa, khi nóng kéo dài, nhiệt độ cao làm cho cá nuôi dễ bị sốc khiến cá dễ mắc bệnh hơn.

Nhiệt độ nước cao làm cho quá trình phân hủy chất hữu cơ tăng lên khiến ao nuôi bị tiêu hao nhiều ôxy và thải ra nhiều khí độc có hại cho cá.

  1. Các biện pháp phòng chống nóng

Nâng cao mực nước: Luôn giữ mực nước ao nuôi từ 1,5 m trở lên.

Tạo vùng mát cho cá bằng cách dùng các khung lồng sau đó thả bèo lục bình, rau muống… (cách làm này tương tự như chống rét cho cá).

Tăng cường ôxy cho cá bằng cách thêm nước hoặc sử dụng máy bơm tạo mưa cho ao nuôi.

Phun nước bổ xung oxy trong ao nuôi cá

Quản lý bùn đáy và chất lượng nước bằng chế phẩm sinh học. Tránh để hiện tượng tảo tàn, tảo độc phát triển trong ao nuôi khi nhiệt độ nước cao và nắng kéo dài.

Nên giảm lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng 30 – 40%, giảm vào bữa trưa hoặc bỏ cữ ăn trưa. Bổ sung dinh dưỡng, vitamin: Trộn Vitamin C vào thức ăn sẽ giúp cá tăng sức đề kháng và chống stress.

Lưu ý, không đánh bắt, kiểm tra cá lúc trời nắng nóng.

Trần Mỹ Hướng – phòng Sản xuất, kinh doanh,