Chăm sóc đàn cá nuôi thời điểm giao mùa

            Trong nuôi trồng thủy sản, giai đoạn chuyển giao mùa thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong ao nuôi, cá dễ mắc một số bệnh gây thiệt hại kinh tế. Những nguyên nhân mà đàn cá dễ bị mắc bệnh vào thời điểm giao là chất lượng nước bị thay đổi: Nhiệt độ nước thay đổi đột ngột vào tháng 12 đến tháng 2 hoặc nhiệt độ tăng cao vào tháng 3 đến tháng 7, nhiệt độ ban ngày và ban đêm có sự chênh lệch lớn từ 7 – 10 độ làm cho cá sốc bỏ ăn, suy yếu, tạo điều kiện cho sinh vật gây bệnh phát triển, làm cho cá dễ bị bệnh; Nước ao kém chất lượng do quản lý không đúng kỹ thuật hoặc nguồn nước cấp bị ô nhiễm hóa chất độc hại, vi khuẩn, vi rút; Nguồn giống thả kém chất lượng: Cá có thể đã bị nhiễm bệnh từ nguồn giống thả nuôi chưa được kiểm tra chất lượng, mang sẵn mầm bệnh mà chưa được xử lý diệt trùng, khi thả cá xuống nuôi gặp thời tiết thay đổi sẽ dễ bị nhiễm bệnh; Chất lượng thức ăn kém, không đủ dinh dưỡng cho cá sẽ tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển và làm ô nhiễm nước ao.

           Đặc biệt các đối tượng cá chép, cá trắm cỏ, cá rô phi rất dễ bị nhiễm các bệnh như: Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn, bệnh xuất huyết ở họ cá chép, xuất huyết do virus ở cá trắm cỏ; bệnh nấm thuỷ mi, bệnh trùng bánh xe, bệnh đường ruột…

Ảnh 1: Mang cá chép bị nhiễm nấm

          Để đảm bảo cho đàn cá phát triển khoẻ mạnh trong thời điểm giao mùa thì các hộ nuôi cần tuân thủ một số biện pháp sau:

         Thứ nhất đối với ao nuôi: Địa điểm nuôi trước tiên nguồn nước sạch sẽ không độc hại với động vật thủy sản. Không có các nguồn nước thải công nghiệp, dân sinh đổ vào. Ao nuôi có cống cấp và thoát nước riêng biệt. Tẩy dọn ao trước khi nuôi bao gồm tát cạn, nạo vét bùn đáy, tu sửa  bờ ao, dọn cỏ rác, phơi khô đáy ao, dùng vôi bột 7-10 kg/100m2 để diệt trừ địch hại. Giữ độ sâu mực nước ao nuôi 1,5-2 m để ổn định nhiệt độ môi trường.

        Thứ hai quản lý chất lượng nước trong quá trình nuôi: Trong suốt quá trình nuôi cần phải giữ vệ sinh trại, ao đầm nuôi để đảm bảo chất lượng nước tốt, tránh sự tích tụ của các chất hữu cơ, hợp chất nitơ,…… quản lý pH, Oxy, độ kiềm trong khoảng thích hợp. Hạn chế tối đa những hoạt động có thể làm cá bị “sốc” như bắt, kéo lưới, san cá.

         Thứ ba tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh cho cá: Mua cá giống tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Cần chọn những con giống khoẻ mạnh, không bị xây xát, không dị hình, có tính miễn dịch cao. Khi nuôi cá thịt không nên nuôi con giống có kích cỡ quá bé, nuôi mật độ theo khuyến cáo.

        Thứ tư chăm sóc, tăng cường dinh dưỡng cho đàn cá: Cho cá ăn đủ chất, đủ lượng, thức ăn không bị hư­ thối, không nên để cá bị đói, bổ sung thêm một số chất vi lượng để tăng cao sức đề kháng cho cá như­: Vitamin (C, B6, E, A). Cho cá ăn theo phương pháp 4 định (thời gian, vị trí, chất lượng thức ăn và số lượng thức ăn). Khi thời tiết thay đổi đột ngột cần giảm lượng thức ăn của cá từ 40 – 50% so với lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày.

Ảnh 2 Hướng dẫn trộn thuốc vào thức ăn

      Thứ năm phòng bệnh cho đàn cá: Thường xuyên thăm kiểm tra ao nuôi hàng ngày để phát hiện những biểu hiện bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời như: nước ao có hiện tượng đổi màu, cá bỏ ăn, bơi lờ đờ trên mặt nước…Vào những ngày thời tiết thay đổi khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu bất thường do thiếu ô xy thì cần bơm nước sạch vào ao hoặc dùng quạt nước, máy đánh sóng để tăng cường oxy. Thường xuyên cấp nước mới vào ao để tăng cường oxy và không gian sống của cá. Phần lớn các loại bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản xuất hiện theo mùa; Do đó trước mỗi mùa bệnh, cá cần được cho ăn phòng, tích cực cho cá ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo về chất đồng thời bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho cá. Bón vôi bột trước và sau mùa bệnh của cá định kỳ  2 – 3 kg/100m3 nước ao/tháng, trong mùa bệnh 4 – 6 kg/100m3 nước ao/10 – 15 ngày.

Nguyễn Thị Thu Bình – Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai