Dự báo tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản quý III năm 2021

 

Trong quý III là khoảng thời gian có nhiều ngày nắng nóng, kèm theo các đợt mưa rào làm ảnh hưởng đến sức khỏe của động vật thủy sản. Đây  là thời điểm thuận lợi cho các bệnh như nhiễm khuẩn do vi khuẩn Aeromonas di động, vi khuẩn dạng sợi Myxococcuspiscicolas, do sán lá đơn chủ, các loại bệnh do vi rút … phát triển mạnh mẽ trên đàn cá gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.  Để hạn chế tác hại của dịch bệnh đối với đàn cá nuôi, Trung tâm Giống Nông nghiệp giới thiệu một số bệnh thường gặp và cách phòng trị các bệnh cho động vật thủy sản, cụ thể như sau:

1.Bệnh sán lá đơn chủ:

1.1 Tác nhân gây bệnh: Là do sán lá đơn chủ thuộc giống Dactylogyrus, Gyrodactylus.

1.2 Dấu hiệu bệnh lý: Cá bệnh gầy yếu, bơi lội chậm chạp. Da và mang bị viêm loét tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn xâm nhập gây bệnh. Khi cá có nhiều sán, mang cá bị sư­ng và bị kênh; cá gầy yếu, màu sắc nhợt nhạt.

 Mùa dễ mắc bệnh: Xuân và Thu. Hầu hết các loài cá nuôi dễ mắc bệnh này.

1.3 Phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp .

1.4 Trị bệnh:

– Thay nước:  Nếu có điều kiện nên thay toàn bộ nước trong ao đồng thời khử trùng nước thay.

– Tắm cho cá bệnh bằng thuốc tím KMnO4 với nồng độ 20g/m3 trong 15-30 phút hoặc bằng formalin 200 – 250ml/m trong vòng 30 – 60 phút.

– Tắm cá trong nước oxy già (H­2O2) ở nồng độ 100 – 150ml/m3 trong 15 – 30 phút.

2.Bệnh thối mang

 2.1. Tác nhân gây bệnh: Do vi khuẩn dạng sợi Myxococcuspiscicolas gây nên

2.2. Dấu hiệu bệnh lý: Các tia mang thối nát, có dính bùn, lớp biểu bì phía trong lớp mang sưng huyết. Các tế bào tổ chức mang bị thối nát ăn mòn dần và xuất huyết.

– Bệnh thường xuất hiện vào mùa Xuân, đầu Hè và mùa Thu. Bệnh thường xuất hiện ở đối tư­ợng nuôi là cá lồng, cá ao nuôi có nhiều bùn hữu cơ.

2.3. Phòng  bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

2.4. Trị bệnh

 – Đối với cá giống dùng phương pháp tắm trong 1 giờ:

 + Oxytetracilline nồng độ 20 – 50 g/m3 n­ước

 + Streptomycine nồng độ 20 – 50g/m3 n­ước.

 – Đối với cá thịt cho ăn kháng sinh trộn với thức ăn tinh. Thuốc Tiên đắc ăn liên tục 5 – 7 ngày. Từ ngày thứ hai trở đi liều l­ượng giảm đi một nửa.

3.Bệnh đốm đỏ (nhiễm khuẩn đường ruột)

3.1. Tác nhân gây bệnh: Bệnh do các loài vi khuẩn Aeromonas di động, bao gồm A.hydrophyla, A.caviae, A.sorbria.

3.2. Dấu hiệu bệnh lý:

Đầu tiên cá kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước, vẩy bong ra, da màu tối xẫm, cá mất nhớt, hậu môn viêm đỏ lồi ra ngoài, xuất huyết trên thân, quanh miệng hay ở các gốc vây, các đốm đỏ ăn sâu vào cơ, cá có mùi tanh đặc trưng, bên trong ruột thành ruột xuất huyết, nhiều chỗ bị hoại tử thối nát, xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn hôi thối (còn gọi là bệnh viêm ruột).

3.3.Phân bố và lan truyền bệnh:

Bệnh thường gặp ở nhiều loài cá nước ngọt: cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép, mè hoa…Bệnh xuất hiện vào mùa Xuân, đầu Hè, mùa Thu, thích hợp ở nhiệt độ nước 25-35oC. Bệnh hay xảy ra ở cá nuôi lồng, bè mật độ cao, nước lưu thông kém và cá nuôi trong ao có nhiều mùn bã hữu cơ.

3.4. Phòng và trị bệnh:

+ Phòng bệnh: Đảm bảo môi trường sạch không bị ô nhiễm hữu cơ, cá không bị sốc. Định kỳ 2 lần/tháng dùng Vitamin C trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 30 mg/ 1kg cá/ngày (30g/100 kg cá /ngày cho ăn liên tục trong 3 ngày. Bón vôi cho ao nuôi 2 lần/tháng với lượng 2kg/100 m2 ao vào mùa bệnh.

+ Trị bệnh: Dùng thuốc KN-04-12 liều dùng 4g/kg cá/ngày, cho ăn liên tục trong 5–7 ngày, từ ngày thứ 2 liều dùng giảm 1/2 so với ngày đầu./.

 

Đõ Thành Luân – Traị Phú Nhuận