Hướng dẫn kỹ thuật sản xuất khoai tây siêu nguyên chủng

Quy trình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất khoai tây củ nhỏ (củ siêu nguyên chủng) trong nhà màn cách ly

1. Dụng cụ, vật tư cần thiết

* Nhà màn cách ly

– Sử dụng lưới chắn côn trùng phải đạt ít nhất 100 lỗ/cm2.

– Nhà màn phải có cửa phụ để hạn chế côn trùng bay vào theo người.

– Có treo tấm bẫy dính côn trùng mầu vàng vừa để bẫy diệt môi giới truyền bệnh vừa để kiểm tra loại côn trùng hoặc mật độ côn trùng trong nhà màn.

– Kiểu nhà: Tùy thuộc vào mức độ đầu tư của từng cơ sở sản xuất mà có thể dựng nhà màn kiên cố hoặc di động, nhưng phải đủ độ chắc chắn chịu được gió cấp 6.

* Phân bón

– Phân hữu cơ: Cần được ủ hoai mục.

– Phân vô cơ: Đạm ure; lân super; phân kali.

* Nước tưới: Cần có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm.

2. Các bước và trình tự  tiến hành

Bước 1: Công tác chuẩn bị

– Khử trùng đất:

Do đặc điểm của sản xuất giống gốc là trồng trong nhà màn, mà nhà màn được xây dựng ở nơi cao thoát nước không được luân canh với cây trồng nước (lúa), cho nên có nhiều sâu bệnh có thể gây hại và lây nhiễm vào củ giống nhất là bệnh héo xanh vi khuẩn. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng trừ bệnh hại trong đất là ngâm nước khoảng 1 tháng trước khi trồng khoai tây, nếu không thực hiện được thì có thể dùng biện pháp phủ nilon đen lên mặt luống trong 1 tuần kết hợp với dải thuốc Vibasu 10H với liều lượng 2 kg/sào.

Cách làm đất và lên luống: Đất được cày bừa kỹ, đập nhỏ, nhặt sạch cỏ dại sau đó lên luống trồng hàng đôi là tốt nhất, luống rộng 50 – 60 cm.

– Phân bón:

Do được trồng từ cây nuôi cấy mô, nên khoai tây có thời gian sinh trưởng rất dài (hơn 4 tháng). Vì vậy, lượng phân bón cũng như cách bón phân khác so với sản xuất giống đại trà.

Lượng phân bón như sau:

Loại phân

Cho 1 ha

Cho 1 sào bắc bộ (360 m2)

Phân chuồng hoai mục

20 tấn

700 kg

Đạm ure

300 kg

10 kg

Lân supe

450 kg

20 kg

Kali sunphat

250 kg

9 kg

 

Bước 2: Mật độ và cách trồng

– Mật độ trồng: Cứ 1 m2 trồng 10 củ. Với cỡ luống như trên, khoảng cách đặt củ cách nhau từ 17 – 20 cm. Mỗi khóm sẽ mọc từ 1 đến 2 thân và bảo đảm có 15 – 20 thân/m2.

– Cách trồng:

Sau khi rạch hàng trồng thì bón lót phân chuồng, đạm và lân vào rạch rồi lấp một lớp mỏng lên trên, sau đó tiến hành đặt củ giống. Khi đặt củ giống tránh đặt trực tiếp vào phân, nhất là phân hoá học vì làm như vậy củ giống dễ bị chết xót vì phân.

Sau khi đặt củ thì lấp đất phủ lên củ giống một lớp đất dầy 3 – 5 cm, sau đó vét rãnh lên luống.

Khi trồng, trường hợp đất khô thì phải tưới nước trước khi bón phân để cây mọc nhanh.

– Cách bón:

+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng và lân, tốt nhất là phân chuồng được trộn đều và ủ với phân lân

+ Bón thúc lần 1: Sau khi trồng cây được 15 – 20 ngày, bón 1/3 lượng đạm.

+ Bón thúc lần 2: Sau trồng 40 – 45 ngày, bón 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali.

+ Bón thúc lần 3: Sau trồng 55 – 60 ngày, bón 1/3 lượng đạm + 2/3 lượng kali còn lại.

Bước 3: Chăm sóc,  tưới nước và phòng trừ sâu bệnh

– Xới đất, làm cỏ, bón phân thúc và vun cao luống thường là những công việc kết hợp với nhau và tiến hành làm cùng đợt chăm sóc.

+ Chăm sóc lần 1: Lúc này cây mới bắt đầu phát triển nhưng còn chậm, vì vậy chỉ cần bón phân đạm ure (bón 1/3 tổng lượng đạm) và xới nhẹ mà không cần vun.

+ Chăm sóc lần 2: Sau khi bón phân thúc lần 2 cần xới đất và vun luống, khi bón phân cần bón ra mép luống tránh bón sát vào gốc làm cây chết.

+ Chăm sóc lần 3: Sau khi bón thúc lần 3 thì tiến hành vun luống, cần lấy đất ở rãnh luống để vun cho luống cao và to. Vun luống không đủ đất sẽ làm vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây, gặp nhiệt độ cao củ sẽ bị biến dạng làm giảm chất lượng củ giống.

– Khoai tây là cây rất cần nước để tạo năng suất và chất lượng củ, nhưng cũng là cây rất sợ nước. Vì vậy, ruộng trồng khoai phải có hệ thống cấp nước và thoát nước chủ động. Do sản xuất củ giống gốc được thực hiện ở trong nhà màn nên chúng ta áp dụng 2 phương pháp tưới rất có hiệu quả là tưới phun và tưới nhỏ giọt.

+ Tưới phun: Phương pháp này thường áp dụng rộng rãi ở những vùng có khí hậu khô. Tưới phun vừa cung cấp nước vừa làm tăng độ ẩm môi trường. Tuy nhiên, phương pháp này có bất lợi là dễ gây độ ẩm không khí quá cao tạo điều kiện cho các nấm bệnh phát triển.

+ Tưới nhỏ giọt: Là một phương pháp tưới hiệu quả vừa tiết kiệm nước vừa có thể kết hợp tưới dinh dưỡng, cây sinh trưởng rất thuận lợi.

+ Trước khi thu hoạch khoai khoảng 2 tuần, không tưới nước cho khoai, nếu mưa phải tháo kiệt nước kịp thời

– Phòng trừ sâu bệnh:

* Sâu xám: Sâu xám thường cắn ngang gốc cây khi khoai tây đang thời kỳ mọc. Khoảng 9 – 10 giờ tối, sâu xám ở dưới đất chui lên mặt đất và bám vào cây để ăn lá, đến khoảng 5 – 6 giờ sáng thì chui xuống gốc cây hoặc dưới đất để ẩn.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, bắt bằng tay (soi đèn vào 9 – 10 giờ tối hoặc buổi sáng). Dùng Basudine hạt để xử lý đất, liều lượng dùng từ 1,5 – 2,0 kg cho một sào Bắc bộ hoặc dùng Nuvacron nồng độ 0,15 % hoặc Sumicidin 0,1 % phun vào buổi chiều ngay sau trồng.

* Nhện trắng: Nhện trắng thường xuất hiện và gây hại khi thời tiết ấm. Chúng tụ tập ở mặt dưới lá non, ngọn cây và chích hút dịch làm cho lá và ngọn quăn lại. Có thể dùng Supracide 40EC hoặc Pegrasus để phun phòng trừ.

* Bọ trĩ: Bọ trĩ xuất hiện và gây hại khoai tây khi thời tiết ấm. Chúng chích hút dịch lá làm cho lá bị khô và chết. Có thể dùng thuốc Supracide 40EC hoặc Treebon 10EC hoặc Sumicidin 20ND hoặc Bassa 50EC, Sherpa nồng độ 0,1 – 0,15 % để phun trừ ngay sau khi bọ trĩ xuất hiện.

* Bệnh virus:

+ Bệnh virus xoăn lùn: Do virus Y gây ra, đây là loại bệnh phổ biến ở Việt Nam. Bệnh xoăn lùn thường làm giảm từ 10 – 90 % năng suất.

+ Bệnh virus cuốn lá (PLRV): Gây hại khoai tây nghiêm trọng và làm giảm năng suất tới 90 %.

+ Bệnh virus khảm: do virus X, S và M gây ra, bệnh ít nghiêm trọng hơn nhưng lại rất phổ biến ở Việt Nam, làm giảm năng suất 10 – 15 %.

Biện pháp phòng trừ bệnh virus chung:

– Diệt trừ các tác nhân truyền bệnh như rệp và bọ phấn…

– Sử dụng giống sạch bệnh và nhổ bỏ cây bệnh.

* Bệnh héo xanh

+ Bệnh héo xanh, do vi khuẩn Ralstonia solanacearum gây nên. Đây là loại bệnh nghiêm trọng phổ biến ở vùng nhiệt đới nóng ẩm và lây lan nhanh.

+ Biện pháp phòng:

– Sử dụng củ giống sạch bệnh, không bón phân tươi và nhổ bỏ cây bệnh.

– Luân canh với lúa nước, không nên trồng khoai tây ở những ruộng mà trước đó vừa mới trồng khoai tây, cà chua, cà hoặc thuốc lá…

* Bệnh mốc sương:

+ Bệnh mốc sương do nấm Phytophhthora infestans gây nên. Khi nhiệt độ xuống thấp từ 15 – 180C có mưa phùn kéo dài, trời nhiều mây mù, độ ẩm không khí cao thường phát sinh bệnh mốc sương.

 

 

+ Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra đồng ruộng và phun phòng bằng thuốc Boóc đô nồng độ 1 % hoặc Zinep 80WP pha nồng độ 36 gam/1 bình phun tay 8 lít.

Bước 4: Thu hoạch củ

Thu hoạch là khâu quan trọng cuối cùng trong sản xuất giống gốc, cần xác định thời điểm thu hoạch để có năng suất cao và chất lượng củ giống tốt. Nếu thu hoạch cây còn non, năng suất sẽ thấp, vỏ củ dễ bị sây sát, hàm lượng nước trong củ cao khi bảo quản củ sẽ dễ bị thối và teo tóp nhanh. Khi thấy 2/3 lá cây chuyển mầu vàng thì tiến hành thu hoạch.

– Thanh lọc, loại bỏ lần cuối các cây và củ bị bệnh, cắt thân lá và dọn sạch tàn dư trên mặt ruộng trước khi thu hoạch 1 – 2 ngày

– Tuyệt đối không thu hoạch vào ngày trời mưa, thu đến đâu dải củ ngay trên mặt ruộng đến đó cho ráo vỏ

– Phân loại tạm thời cỡ củ, loại bỏ củ bị bệnh, củ dị dạng./.