Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ một số loại sâu bệnh hại nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa vụ Xuân

Để giúp người trồng lúa thực hiện tốt việc phòng trừ sâu, bệnh hại nhằm ổn định về năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả kinh tế vụ Xuân chúng tôi khuyến cáo như sau:

  1. Kỹ thuật canh tác lúa vụ Xuân

 Bón lót và mật độ cấy:

Căn cứ vào tình hình thời tiết để điều chỉnh việc gieo cấy cho phù hợp, không gieo cấy khi nhiệt độ dưới 15oC. Trước khi cấy tiến hành bón lót lượng phân tính cho 01 sào bắc bộ (360 m2).

Đối với lúa lai: Phân chuồng hoai mục 360-500 kg; 3,0-3,5 kg đạm ure; 20-25 kg lân super và 1,5-2,0 kg Kali clorua.

Đối với lúa thuần: Phân chuồng hoai mục 300-360 kg; 2,0-3,0 kg đạm ure; + 18-20 kg lân super và 1,0-1,5 kg Kali clorua.

Lưu ý: Bón lót trước khi bừa lần cuối; Có thể bón phân tổng hợp NPK chuyên bón lót để bón cho lúa; bón theo hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

 Cấy đảm bảo khung thời vụ của địa phương và đúng quy trình kỹ thuật: Đối với lúa lai cấy 1-2 dảnh/khóm, 32-35 khóm/m2; đối với lúa thuần, lúa chất lượng cao cấy 2-3 dảnh/khóm, 40-45 khóm/m2.

           Sau khi cấy tuyệt đối không bón đạm cho lúa khi nhiệt độ dưới 15oC.

Chăm sóc đối với lúa cấy:

Trong thời điểm này, cây lúa đang ở giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh nên rất cần được chăm sóc, bón phân kịp thời để lúa sinh trưởng khoẻ, đẻ nhánh tập trung. Cần thực hiện công việc sau:

 Làm cỏ và bón thúc phân

 Làm cỏ bón thúc phân lần 1: Sau khi lúa bén rễ hồi xanh và có 1 – 2 lá mới, cần làm sạch cỏ dại trong ruộng lúa kết hợp bón thúc phân lần 1 với lượng phân bón như sau: Đối với ruộng lúa lai, bón 4 kg phân đạm urê và 4 kg phân kali; ruộng lúa thuần, bón 4 kg phân đạm urê và 3 kg phân kali cho một sào Bắc bộ (360 m2).

 Cách bón: Trộn đều các loại phân với nhau và bón đều cho toàn bộ diện tích ruộng lúa, kết hợp làm cỏ sục bùn; sau khi bón thúc lần 1 từ 10 – 15 ngày, nếu ruộng lúa sinh trưởng không đồng đều cần bón bổ sung từ 1-2 kg phân đạm urê vào những chỗ lúa xấu.

Tưới nước: Duy trì mực nước ổn định trong ruộng từ 2 đến 3 cm.

  1. Biện pháp phòng trừ mọt số loại sâu bệnh hại lúa

Ốc bươu vàng

          Triệu trứng gây hại: Ốc bươu vàng thường sống và ẩn náu dưới bùn, tại các bờ ao, bờ mương, chúng sinh sản mạnh và gây hại nặng nếu như gặp điều kiện thuận lợi. Ốc bươu vàng sẽ gây hại thông qua việc cắn ngang cây lúa non hoặc chồi lúa từ ngay sau khi sạ hoặc cấy cho đến khi lúa được 30 ngày làm khuyết dảnh, khuyết khóm trên ruộng lúa, dẫn đến thiệt hại cho bà con. 

 Biện pháp phòng trừ:

 Biện pháp thủ công: Trước khi gieo cấy cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, khơi rãnh xung quanh ruộng để ốc tập trung vào rãnh thuận tiện cho việc thu gom ốc bằng tay. Sau khi gieo cấy lúa, đối với những ruộng trũng có nước quanh năm, có nhiều ốc nên cắm cọc để ốc bò lên đẻ trứng và dùng các loại thức ăn ốc ưa thích như: Cây khoai nước, lá râm bụt… nhử ốc đến ăn tiện cho việc thu bắt và diệt trừ.

 Biện pháp hoá học: Khi mật độ ốc từ 5 con/m2 trở lên có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Mồi ốc 6GR, Pazon 700WP, Diotto 830WG, VT – DAX 700WP, Osaka 700WP… nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Khi phun thuốc duy trì mực nước 2-3 cm là tốt nhất.

Ảnh 1: ốc bưu vàng hại mạ và ,lúa sau cấy

Lưu ý: Các loại thuốc trên rất độc với người, động vật và động vật thủy sinh, vì vậy những ruộng mới phun thuốc trừ ốc tuyệt đối phải thực hiện biện pháp cách ly theo hướng dẫn trên bao bì.           

Sâu đục lá nõn lúa

Sâu trưởng thành là ruồi (Bọ trĩ) có mầu xám đen, cánh màng trong suốt, thường di chuyển trên lá lúa theo kiểu vừa đi vừa nhảy.

 Triệu chứng gây hại: Trưởng thành con cái đẻ từng trứng trên bề mặt lá lúa, ấu trùng mới nở di chuyển xuống các lá non còn cuốn chưa mở và gây hại ở bìa lá. Khi lá trổ ra xuất hiện vết sẹo khuyết có màu vàng nhạt hoặc màu trắng, nếu bị hại nhẹ chỉ thấy vết thủng nhỏ trên lá. Cây lúa bị ruồi gây hại sẽ đẻ nhánh ít, chậm phát triển, kéo dài thời gian sinh trưởng. Sau thời gian bị hại khoảng 10-15 ngày lúa phục hồi sinh trưởng bình thường, tuy nhiên nếu bị hại nặng cây lúa sẽ khó phục hồi và thường chín muộn hơn

 Biện pháp phòng trừ:

Để quản lý có hiệu quả sâu đục nõn lúa, cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp sau: Vệ sinh sạch cỏ dại quanh ruộng trước khi cấy, gieo cấy lúa đồng loạt tập trung. Nên giữ nước săm xắp hoặc thay nước ruộng thường xuyên trong vòng 30 ngày đầu sau khi cấy để hạn chế sự gây hại của ruồi đục lá nõn. Bón phân cân đối để phục hồi cây lúa khi bị hại sớm.

 Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi ruồi xuất hiện với mật độ quá cao và xuất hiện muộn, sử dụng một trong thuốc như: chế phẩm sinh học Bio – B,  Kola 700WG, Reasgant 3.6EC… để phun trừ ruồi; liều lượng, nồng độ pha thuốc thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Sâu cuốn lá nhỏ, lá lớn

Triệu trứng gây hại: Sâu cuốn lá nhỏ cuốn dọc từ chóp lá xuống phiến lá, gây hại nhu mô làm cho lá lúa xơ xác, bạc trắng.

 Sâu cuốn lá lớn: Cuốn nhiều lá thành tổ và nằm bên trong ăn khuyết phần lá lúa. Ở đầu vụ, sâu có thể cuốn cả khóm lúa mới cấy thành tổ để gây hại.

 Biện pháp phòng trừ:

 Biện pháp canh tác: Làm đất kỹ trước khi gieo cấy, dọn sạch cỏ dại phát quang bờ ruộng, cày vùi gốc rạ sớm để diệt nguồn sâu, nhộng tồn dư. 

 Biện pháp hoá học: Khi phát hiện mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 25 đến 50 con/m2  thì tiến hành phun thuốc phòng trừ. Sử dụng một trong các loại thuốc đã được đăng ký trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam như: Reasgant 3.6EC, Tasieu 1.9EC hoặc các loại thuốc khác có cùng hoạt chất Abamectin. Nồng độ, liều lượng sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì thuốc.

Bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn

Triệu chứng gây hại

 Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn gây ra và rất nguy hiểm đối với cây lúa. Bệnh gây hại từ lúc mạ đến lúc lúa chín, nhưng hại nặng nhất là giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến chín sữa. Khi vết bệnh mới xuất hiện, các mép lá bị héo xanh, sau đó lan dần vào trong phiến lá và từ trên xuống dưới, thường các lá bánh tẻ bị bệnh trước sau đó lan lên các lá non.

Bệnh đốm sọc do vi khuẩn gây ra thường xuất hiện vào giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đứng cái làm đòng, khi mới bị bệnh trên phiến lá thường có các vết đốm nâu chạy dọc gân lá. Vi khuẩn xâm nhiễm vào cây chủ yếu qua vết thương cơ giới, lan truyền nhờ nước, gió, mưa và tiếp xúc cọ xát giữa các lá cây trong ruộng. Các giống lúa có bản lá to, thân mềm hoặc những ruộng bón nhiều đạm, bón đạm muộn cây sẽ dễ bị nhiễm bệnh hơn. Bệnh gây hại nặng làm phiến lá bị héo khô và mất khả năng quang hợp của lá dẫn đến giảm năng suất và chất lượng của lúa, gạo.

Cả hai loại bệnh đều xuất hiện những giọt dịch nhỏ, tròn, màu vàng đục bám trên bề mặt vết bệnh, sau đó có thể khô lại thành những viên keo vi khuẩn trông như trứng cá; bệnh phát sinh gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ thích hợp từ 26 – 300C, ẩm độ trên 90%,

Ảnh 2: lúa bị bệnh bạc má

Biện pháp phòng trừ

Tiến hành một số biện pháp kỹ thuật canh tác như: chăm sóc và bón phân hợp lý, khi ruộng lúa đã bị bệnh nên rút bớt nước trong ruộng và không được bón thêm phân đạm. Ưu tiên bón ka li hoặc rắc tro bếp hoặc vôi bột 60-80kg/ha có thể hạn chế khả năng phát sinh, phát triển của bệnh trên đồng ruộng.

Tăng cường bón phân chuồng, bón cân đối N: P: K và kết thúc bón các loại phân hoá học khi lúa có đòng dài 0,5 – 1,0 cm, nhất là đối với những loại giống hay bị nhiễm bệnh.

Khi phát hiện ruộng lúa bị bệnh cần giữ nước trên ruộng từ 2 đến 3 cm, ngừng bón phân hoá học, phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng. Sử dụng một trong các loại thuốc như: Xantocin 40WP, Abenix 10SC, Asusu 20WP… và các thuốc khác có cùng hoạt chất đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để trừ bệnh. Nếu bệnh nặng tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 5 – 7 ngày, phun thuốc vào buổi chiều mát, liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

Trong vụ Xuân bệnh thường xâm nhiễm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vì vậy bà con cần chú ý thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, không lơ là tránh bệnh phát sinh phát triển thành dịch; đảm bảo sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách./.

           Đinh Thị Thu Hà – Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai