Kỹ thuật ngâm ủ giống và chăm sóc mạ mùa nắng nóng

        Ngâm ủ hạt giống là khâu quan trọng quyết định đến thời vụ và sức sinh trưởng của cây mạ sau này. Cây mạ khoẻ sẽ là tiền đề cho ruộng lúa tốt “tốt giống- tốt mạ – tốt lúa”. Hiện nay, do biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, nhiệt độ giai đoạn ngâm ủ, gieo mạ vụ mùa luôn ở ngưỡng nhiệt độ cao từ 37-400C. Để đảm bảo cho mạ tốt và lúa sau cấy phục hồi nhanh cần lưu ý một số vấn để sau:

  1. Xử lý hạt giống

        Hạt giống trước khi ngâm cần xử lý để loại bỏ hoàn toàn hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại và nấm bệnh, chọn ra 100% hạt chắc, mẩy, sạch bệnh bằng các phương pháp:

         Sử dụng nước muối 15%: Pha 1,5kg muối ăn với 10 lít nước sạch, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ 1 phần thóc 3 phần nước, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch, tiếp tục ngâm với nước sạch.

        Sử dụng hoá chất trừ nấm, bệnh: Dùng CRUISER (pha 5 ml thuốc với 1-1,5 lít nước, trộn đều 20 kg thóc giống) để diệt các mầm bệnh và bọ trĩ gây hại thời kỳ đầu.

  1. Kỹ thuật ngâm ủ:

        Để tăng cường sức chống nóng và chết chòm cho mạ giai đoạn sau cần ngâm lúa với KH. Cách ngâm như sau: pha 1 gói KH với 12 – 16 lít nước, đổ thóc vào dung dịch KH sao cho thóc ngập trong dung dịch. Cứ sau 10 – 12 giờ nhấc thóc khỏi dung dịch để khoảng 30 phút sau đó lại cho vào ngâm tiếp (chú ý không phải thay nước).

        Các giống lúa thuần: Nếu là giống cách vụ, ngâm hạt giống trong nước sạch 24 – 30 giờ. Nếu là giống liền vụ, ngâm giống 40 – 48 giờ.

       Các giống lúa lai: Giống chuyển vụ ngâm nước 12 – 16 giờ. Giống quá vụ ngâm nước 6 – 8 giờ.

         Thời tiết vụ mùa nhiệt độ cao nên không cần kích nhiệt chủ yếu giữ ẩm vừa phải cho hạt nảy mầm. Sau 8-10 giờ bỏ ra kiểm tra nếu hạt đã nứt nanh đều thì rải mỏng và phủ bao tải ẩm hoặc vải ẩm để nơi mát. Tiến hành giữ ẩm và bổ sung nước nếu hạt khô. Không ủ dày nóng hạt hô hấp mạnh sẽ dễ bị nẫu mộng.

  1. Kỹ thuật gieo mạ

        Chuẩn bị bùn gieo: bùn gieo cần lấy ở nơi tráng nắng không bị chua phèn, xác thực vật chưa phân hủy. Khi chuẩn bị bùn gieo mạ cần trộn thêm dung dịch KH, Penac – P và 0,5kg lân Super, đảo đều dung dịch với bùn để giúp giải độc tố trong bùn đồng thời tăng sức chống nóng, kích thích bộ rễ phát triển khỏe mạnh.

         Sau khi lấy bùn xong, cần trải bùn thành luống rộng 1-1,2m và độ dày từ 2-3cm. Trong quá trình gieo, nên chia nhỏ lượng mộng mạ cho từng luống để gieo cho đều.

 Đối với gieo mạ dược, mạ dầy xúc: Đất cần được làm kỹ nhuyễn phẳng sạch cỏ dại, lên luống, bề ruộng của luống 1 – 1,2m, có thể bón lót 5 – 10kg phần chuồng hoai mục + 5 – 7 kg Supe lân cho 1 sào mạ, gieo đều và ném hạt giống nhẹ tay để hạt giống chìm sâu 2/3 hạt mầm vào đất.

         Kỹ thuật gieo: 1 kg thóc sau khi ngâm ủ thành mộng gieo đều trong 3 – 4 m2 mạ cấy cho 1 sào. Gieo đi gieo lại cho đều mộng. Gieo hơi chìm giúp mộng nhanh ngồi. Sau khi gieo cần phủ lưới đen chống nóng cho mạ 2 – 3 ngày sau đó gỡ bỏ lưới đen.

Ảnh 1: Mộng mạ chuẩn bị đem gieo

        4. Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho mạ

          Ngay sau gieo nếu gặp trời mưa, cần dẫn nước ngập sâu 2cm ruộng mạ để chống mưa trôi. Tưới dưỡng nước láng mặt ruộng khi mạ 1 lá thật.

          Bón thúc (tính 360 m2/1 sào): Lần 1 (mạ 2,5 lá) bón 3kg đạm urê + 2kg kali clorua. Lần 2 (mạ 4 – 4,5 lá) bón 4kg đạm urê + 2 – 3kg kali clorua.

          Phun Regent 800 WP + Penalty Gold 50EC trước nhổ cấy 15 – 20 ngày, để phòng sâu đục thân và rầy các loại.

         Bón tiễn chân 1,5 – 2kg đạm urê/sào, trước nhổ cấy 2 – 3 ngày để rễ mạ ăn lên, nhổ mạ được dễ dàng hơn./.

Ảnh 2: Gieo mạ và làm khung che mạ

           Theo dự báo thời tiết năm 2023 sẽ nóng hơn các năm khác, nên kỹ thuật ngâm ủ giống và chăm sóc mạ mùa nắng nóng là một trong các yếu tố quyết định đảm bảo cho thành công của vụ lúa tới.

Thạc sĩ. Đinh Thị Thu Hà – Trung tâm Giống NN tỉnh Lào Cai