Kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính

KỸ THUẬT NUÔI CÁ RÔ PHI ĐƠN TÍNH

1. Điều kiện ao nuôi
– Ao nuôi tốt nhất nên có dạng hình chữ nhật có diện tích từ 1.000 – 3.000m2 trở lên phù hợp cho việc quản lý, chăm sóc và thu hoạch cá.
– Các yếu tố về kỹ thuật: Nguồn nước cấp cho ao phải đủ, chủ động và sạch; độ sâu mực nước từ 1,5 – 2 m; bùn đáy thích hợp từ 10 – 15cm (đáy ao là bùn cát hoặc thịt pha cát là tốt nhất); bờ ao cao hơn mức nước thấp nhất 0,5 m; bờ ao đủ rộng để đảm bảo bờ được chắc chắn tránh lở vỡ trong mùa mưa lũ.
2. Chuẩn bị ao nuôi.
– Tháo cạn nước: Có thể tháo cạn để cải tạo ao dạng khô hoặc tháo gần cạn để cải tạo ao dạng ướt.
– Vét bùn đáy: Vét bỏ bớt lớp bùn đáy và để lại một lớp bùn khoảng 10 – 20 cm để tạo môi trường cho sinh vật có lợi cho ao nuôi sinh sống.
– Phát quang, tu sửa bờ cống: Phát quang quanh bờ ao, tu sửa bờ, cống những chỗ sạt lở, rò rỉ.
– Bón vôi khử trùng, diệt tạp: Lượng vôi bón cho ao trong quá trình cải tạo ao từ 7 – 15 kg/100m2 tuỳ theo độ pH của ao nuôi (nếu pH ao thấp < 7 thì bón vôi với lượng 10 – 15 kg/100m2; pH > 7 lượng vôi dùng cải tạo 7 – 10 kg/100m2).
– Bón phân gây màu nước: Nên sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng và phân xanh) để gây màu nước ao. Lượng phân sử dụng cho ao với lượng 30 – 35 kg/100m2. Chú ý phân chuồng phải được xử lý, diệt mầm bệnh trước khi dùng cho ao nuôi (ủ hoai phân với 1-3% vôi); phân xanh nên dùng một số cây thảo mộc vừa gây màu cho ao vừa có tác dụng phòng bệnh cho cá; phân xanh dùng sau khi cấp nước dưới dạng bó ngâm dầm trong ao sau 5 – 7 ngày lá tan hết thì vớt hết cành que cứng ra khỏi ao.
– Lấy nước cho ao nuôi: Nếu nguồn nước thuận tiện thì nên lấy nước làm 2 lần, lấy đầu lấy khoảng 40 – 50 cm nước, tiến hành gây màu khi nước ao đã đạt màu nước tiêu chuẩn (màu xanh nõn chuối hay màu vỏ đậu xanh) thì tiếp tục lấy nước vào ao với mức nước đạt 1,2 – 1,5 m. Chú ý khi lấy nước vào ao cần lọc nước qua lưới có kích thước mắt nhỏ để ngăn chặn cá tạp, cá dữ, rác thải vào ao.
3. Thả cá giống
– Chọn giống: Cá giống thả nuôi phải khoẻ mạnh không có dấu hiệu của dịch bệnh, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, không bị sây sát, vây vẩy hoàn chỉnh, kích cỡ đồng đều. Cỡ cá 4 – 6 cm, trọng lượng 2,5 – 3 g/con. Nên mua giống tại địa chỉ đáng tin cậy.
– Mùa vụ thả: Thả vào cuối tháng 3 – 4 và thu hoạch trước mùa rét khoảng tháng 9 – 10 (sau 6 – 7 tháng nuôi).
– Cách thả giống: Trước khi thả cần xử lý mầm bệnh trên cơ thể cá bằng cách tắm cho cá bằng dung dịch nước muối 2- 3% trong thời gian 15 – 20 phút tuỳ theo tình trạng của đàn cá. Khi thả cá xuống ao cần thả nhẹ nhàng, thả đầu hướng gió để cá mau tản khắp ao. Nếu cá vận chuyển từ xa về bằng túi bơm oxy thì thả túi cá xuống nước sau 20 – 30 phút rồi mới thả cá cho cân bằng nhiệt độ giữa túi cá và nước ao tránh hiện tượng hao hụt về số lượng cá giống do cá bị sốc nhiệt.
– Thời gian thả: Thả vào sáng sớm hoặc chiều mát.
– Mật độ thả:
+ Nuôi đơn: Nuôi bán thâm canh mật độ thả 2 con/m2; nuôi thâm canh mật độ thả là 3 con/m2.
+ Nuôi ghép: Cá rô phi chiếm > 50%, còn lại các đối tượng khác. Mật độ thả 3 con/m2, hình thức nuôi này được áp dụng rộng rãi trong tỉnh.
4. Thức ăn và cách cho ăn
– Thức ăn: Sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn chế biến có hàm lượng đạm từ 20 – 30%. Thức ăn tự chế biến được làm từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương để phối chế thành thức ăn cho cá Rô phi. Các nguyên liệu cần được tính toán hợp lý đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng quan trọng nhất là đạm theo nhu cầu của cá Rô phi ở từng kích cỡ khác nhau. Các nguyên liệu được nghiền nhỏ, trộn đều với các chất kết dính như bột mì, nấu chín để nguội vo lại thành nắm hoặc qua máy đùn viên. Cho cá ăn từ từ, từng ít một cho đến khi hết thức ăn, tránh hiện tượng cá tranh giành thức ăn quá mạnh, làm thức ăn bị tan vào nước gây thất thoát. Không nên cho cá Rô phi ăn dạng bột vì thức ăn bị tan vào nước vừa lãng phí, vừa làm bẩn môi trường nước ao nuôi. Khi sử dụng thức ăn công nghiệp hay thức ăn chế biến phải chú ý đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn không được nhiễm độc Salmonella, nấm mốc độc (Aspergillus flavus), độc tố Aflatoxin và không đưa các loại kháng sinh, hoá chất đã bị cấm sử dụng vào thức ăn.
– Trong quá trình nuôi cần theo dõi tăng trưởng của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chu kỳ điều chỉnh thức ăn là 10 ngày 1 lần. Cách làm cụ thể như sau: Cứ 10 ngày dùng vó hoặc chài bắt 30 cá thể, cân rồi tính trọng lượng trung bình, làm cơ sở để ước tính lượng cá trong ao. Lượng thức ăn phải cho cá ăn hàng ngày được tính theo công thức thực nghiệm sau:
Lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày (kg) = A x D x S x 95% x F
Trong đó: A: trọng lượng trung bình của cá (kg/con)
D: mật độ cá thả (con/m2)
S: diện tích ao (m2)
F: mức cho cá ăn (%)
– Cho ăn: Cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên nổi được chế biến riêng cho cá Rô phi. Lượng thức ăn, hàm lượng đạm trong thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá. Thức ăn được chia đều làm 2 phần, buổi sáng cho cá ăn lúc 8h30 – 9h00, chiều cho ăn lúc 16h. Áp dụng biện pháp cứ 10 ngày thì cho cá nghỉ ăn 1 ngày. Trong ngày nghỉ ăn cá vẫn sinh trưởng bình thường do cá tăng cường ăn thêm thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao nuôi.
Bảng 4: Chế độ cho ăn và khẩu phần ăn theo kích cỡ cá sử dụng

 Cỡ cá (g/con)  Loại thức ăn

Mức cho ăn (% trọng lượng) 

 Ghi chú
 5-20  dạng viên mảnh. 30% đạm  5  Hàng tuần bón thêm phân đạm+lân với tỷ lệ 1/2
20-100   Dạng viên nổi, 26% đạm  3-3,5  Hàng tuần bón thêm đạm + lân với tỷ lệ 1/2
100-300  Dạng viên nổi, 22% đạm   3 Thay nước mỗi tháng 1 lần 
>300  Dạng viên nổi, 18% đạm   2 Thay nước mỗi tháng 2 lần 

5. Chăm sóc và quản lý ao nuôi
– Do nuôi cá ở mật độ cao, lượng ôxy hoà tan từ không khí vào nước do sóng gió tự nhiên và lượng ôxy do tảo quang hợp tạo ra không đủ cho cá hô hấp, đặc biệt là vào ban đêm. Máy quạt khí sẽ giúp tăng cường thêm ôxy hoà tan từ không khí vào nước.
– Chế độ vận hành máy quạt khí trong ao nuôi thâm canh đựơc điều chỉnh theo thời gian nuôi như sau: Bắt đầu sử dụng máy quạt khí từ tháng nuôi thứ 2, càng về cuối vụ nuôi chuẩn bị thu hoạch cá thì càng cần tăng cường quạt khí. Thời gian quạt khí được tiến hành vào ban đêm cho đến sáng hôm sau, khi có ánh nắng mặt trời thì dừng. Thời điểm cá thiếu ôxy nhất là 4 – 6 giờ sáng. Phải kéo dài thời gian quạt khí vào những ngày không có nắng. Những ngày mưa to, nhiều gió cần phải giảm thời gian vận hành máy quạt khí.
– Chế độ thay nước: Trong quá trình nuôi, chất thải của cá làm cho nước ao bẩn nhanh chóng, có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học hoặc thay nước tích cực nhằm cải thiện môi trường ao nuôi. Chế độ thay nước tích cực bắt đầu từ tháng nuôi thứ 3 đến hết chu kỳ nuôi.
– Hàng ngày kiểm tra ao vào buổi sáng sớm phát hiện các biểu hiện bất thường của cá. Đồng thời quan sát bờ ao, cống để khi có sự cố xảy ra thì xử lý kịp thời.
6. Thu hoạch
Sau khi nuôi 5 – 6 tháng, cá đạt trọng lượng 0,5 – 0,6 kg/con, có thể thu hoạch.