Kỹ thuật nuôi cá nheo

KỸ THUẬT NUÔI CÁ NHEO
1. Điều kiện ao nuôi
– Diện tích ao nuôi cá Nheo thương phẩm thường là dưới 3.000 m2 và diện tích 1.000 – 2.000m2 là phù hợp, độ sâu 1,5 – 2,5m, cần có nguồn nước tương đối đầy đủ, chất nước phù hợp với tiêu chuẩn quy định, có hệ thống cấp thoát nước đầy đủ, có chỗ lắp đặt máy sục khí, máy bơm nước.
– Ao nuôi cần vét sạch bùn thối đáy ao bằng cách tháo cạn nước để cải tạo ao dạng khô hoặc tháo gần cạn để cải tạo ao dạng ướt. Vét bỏ bớt lớp bùn đáy và để lại một lớp bùn khoảng 5 – 10 cm để tạo môi trường cho sinh vật có lợi cho ao nuôi sinh sống.
– Phát quang, tu sửa bờ cống: Phát quang quanh bờ ao, tu sửa bờ, cống những chỗ sạt lở, rò rỉ.
– Bón vôi khử trùng, diệt tạp: Lượng vôi bón cho ao trong quá trình cải tạo ao từ 7 – 15kg/100m2 tuỳ theo độ pH của ao nuôi (nếu pH ao thấp < 7 thì bón vôi với lượng 10 – 15kg/100m2; pH > 7 lượng vôi dùng cải tạo 7 – 10kg/100m2).
2. Thả cá giống
– Mật độ: 1 – 1,5 con/m2, cỡ giống 10 – 12 cm/con.
– Mùa vụ thả: tháng 3 – 4 hàng năm.
– Yêu cầu con giống khỏe mạnh, không bị dị tật dị hình, hoạt động nhanh nhẹn, kích cỡ đồng đều, không bị sây sát, có sức tranh cướp thức ăn.
– Trong ao nuôi cá nheo miệng rộng làm chính có thể nuôi ghép thêm cá mè hoa, mè trắng kích thước lớn với một lượng nhất định, để lợi dụng sinh vật phù du và các mảnh vụn thức ăn phong phú trong ao. Tốt nhất là nuôi ghép 100 – 150 con/ha cá mè hoa, mè trắng.
Bảng 6. Mật độ thả nuôi và sản lượng thu hoạch
Kích cỡ cá thả (cm/con) Mật độ thả (con/m2) Tỷ lệ sống (%) Trọng lượng thu (g/con) Sản lượng nuôi (tấn/ha) Chú thích
10 – 12 1,5 85 – 95 550 7,5 Nuôi ghép 100 – 150 con/ha
10 – 12 1,2 80 – 90 500 5,1 Nuôi ghép 130 -180 con/ha
10 – 12 1 70 – 80 400 3,5 Nuôi ghép 180 -250 con/ha

– Chu kỳ nuôi cá nheo miệng rộng là một năm thì cá đạt kích cỡ thương phẩm để thu hoạch.
3. Thức ăn và cách cho cá ăn.
– Trong nuôi cá Nheo miệng rộng thường dùng 2 loại thức ăn chủ yếu là thức ăn thuần túy động vật và thức ăn chế biến tổng hợp.
+ Thức ăn thuần túy động vật: Bao gồm cá tạp nhỏ, cá giống của các loại cá, cùng với các loại thức ăn sống như giun nước và giun đất… các loại thịt ốc bươu, ốc sên, nội tạng gia súc và gia cầm. Hệ số thức ăn đối với từng loại thức ăn như sau: Cá tạp nhỏ là 2,7 – 5,0, thịt ốc buơu 13 – 18, giun đất sống 8 – 10, phổi heo, ruột bò 5,5 – 7,5.
+ Thức ăn chế biến tổng hợp: Đạm thô 36 – 42%, chất béo thô 6 – 10 %, đường 22 – 28%, chất xơ 4 – 6%. Nguyên liệu chế thức ăn tổng hợp trừ các loại bột cá, nhộng tằm ra, còn có bột ngô vàng, bột bột khoai tây.
– Để biết lượng thức ăn cho cá ăn hằng ngày có phù hợp không, cần kiểm tra lượng thức ăn và thời gian cá ăn hết, tỷ lệ sinh trưởng của cá đã đạt đến chỉ tiêu nhất định và cá có khỏe mạnh hay không. Nếu cho cá ăn quá liều lượng gây nên hiện tượng thời gian bắt mồi kéo dài, có thức ăn thừa, lượng mỡ trong cơ thể cá tích lũy quá nhiều. Nếu cho ăn không đủ dẫn đến cơ thể cá gầy đi và kích cỡ không đồng đều. Số lần cho ăn trong ngày 2 lần/ngày.
– Cho cá ăn theo nguyên tắc “4 xem”, “4 định”. Tức là sau khi nắm vững lượng thức ăn cho cá ăn hàng ngày, còn cần phải xem chất nước, xem khí trời, xem mùa vụ và xem tình hình hoạt động và bắt mồi của cá, cần linh hoạt xác định lượng thức ăn thực tế.
+ Xem chất nước: Nếu màu nước ao bình thường, độ béo thích hợp có thể cho cá ăn lượng thức ăn bình thường. Nếu chất nước quá đậm, sinh vật phù du phát triển quá nhiều, có khả năng làm cá nổi đầu, thì ngưng cho ăn, cần phải thay nước rồi mới cho cá ăn.
+ Xem khí hậu: Là căn cứ vào tình hình khí hậu thời điểm đó mà cho ăn, nếu như trời u ám, nóng bức quá mức, có sấm chớp và mưa dầm liên tiếp, cho cá ăn ít hoặc ngừng cho ăn.
+ Xem thời tiết: Là tùy theo thời tiết để điều chỉnh lượng thức ăn cho cá ăn, vào tháng 7 – 9 nhiệt độ nước cao nhất, cá ăn nhiều lớn nhanh, thời tiết này cá ăn nhiều nhất; tháng 5 – 6 nhiệt độ cũng lên cao, nhưng cá vẫn còn chưa lớn, do đó lượng thức ăn ít hơn; tháng 10 – 11 tuy nhiệt độ đã giảm, nhưng cần nuôi thúc cho cá béo, nên vẫn cho ăn lượng thức ăn thích hợp.
+ Xem tình trạng hoạt động bắt mồi của cá: Căn cứ vào lượng thức ăn cho ăn hằng ngày. Trong sản xuất nói chung, yêu cầu cá nuôi trong ao khoảng thời gian ≥ 1 giờ về cơ bản ăn hết lượng thức ăn, nếu không thì phải tăng giảm lượng thức ăn.
– Phải thực hiện “4 định” chính là định thời giờ, địa điểm, định giờ, định chất, định lượng.
+ Định giờ cho ăn: Tốt nhất mỗi ngày cho ăn 2 lần, do cá nheo có dạ dày phình to, 1 lần ăn no sau đó có thể duy trì cung cấp dinh dưỡng trong thời gian tương đối dài.
+ Định điểm cho ăn: Có thể làm cho cá nheo bắt mồi ở vị trí nhất định, cần đặt thức ăn trong sàng ăn, sàng ăn thường dùng lưới cước cỡ 25 – 40. Trong ao thường đặt 1 – 2 sàng thức ăn, ao có diện tích 1.000 – 2.000 m2 đặt 6 – 10 sàng ăn, lúc cho ăn nên gõ vào thùng thức ăn, tạo phản xạ có điều kiện cho cá đến ăn. Không nên chuyển chỗ ăn đi nơi khác, hoặc nay để chỗ này, mai để chỗ khác. Nếu không thì thức ăn thừa, phân cá tích lũy lại làm ảnh hưởng đến việc cá bắt mồi. Nơi đặt sàng ăn, thường xuyên dùng vôi sống để khử trùng.
+ Định chất: Cần đảm bảo chất lượng thức ăn, không dùng nguyên liệu biến chất và phải phối chế thức ăn theo yêu cầu dinh dưỡng của cá. Ngoài ra, thức ăn cần phải chế biến tỉ mỉ, cỡ viên vừa miệng, nâng cao tỷ lệ tiêu hóa thức ăn của cá.
+ Định lượng: Yêu cầu cơ bản là nắm vững lượng thức ăn cung cấp cho cá, không để cho cá đói, cũng không để cho cá ăn quá no. Cá nheo miệng rộng trong trạng thái đói và nửa đói sẽ ăn thịt lẫn nhau. Lượng thức ăn của cá nheo có quan hệ với kích thước cá, nhiệt độ nước, lượng oxy, chất lượng thức ăn… lúc chất nước tốt, khí hậu đẹp, cá ăn mạnh có thể cho cá ăn nhiều; nếu khí trời không bình thường thì giảm bớt thức ăn, thậm chí không cho ăn; mùa hè nhiệt độ cao, ban ngày cho ăn ít, buổi chiều tối cho cá ăn nhiều.
4. Chăm sóc và quản lý ao nuôi
– Công việc quản lý hàng ngày của ao nuôi cá thương phẩm, có thể khái quát thành 3 siêng và 4 kịp thời:
+ “3 siêng”: Tức là siêng kiểm tra ao, siêng làm vệ sinh ao, siêng ghi chép. Mỗi ngày cần tuần tra ao 3 lần: Vào buổi sáng sớm chủ yếu quan sát cá nổi đầu không và mức độ nặng nhẹ của nổi đầu, đồng thời dùng biện pháp tương ứng để xử lý; buổi trưa kiểm tra ao, kết hợp cọ rửa sàng ăn, kiểm tra hoạt động bắt mồi của cá; lúc chập tối chú ý đến sự biến hóa của chất nước, mực nước, trạng thái ao nghèo oxy, hoặc cá sinh bệnh tật.
+ ”3 kịp thời”: Kịp thời dự báo tình trạng ao nghèo oxy, ao cá nổi đầu, kịp thời thêm và thay nước mới hoặc các biện pháp điều chỉnh chất nước; kịp thời phòng trị bệnh. Do cá Nheo chỉ cần nổi đầu 1 lần thì trong mấy ngày sau giảm bắt mồi, không lớn. Vì vậy, trong sản xuất cần tránh hiện tượng này không xảy ra. Thông thường cứ 10 ngày cho thay nước 1 lần, mỗi lần nâng mức nước lên 10cm. Lúc nhiệt độ cao cần tăng cường thay nước cũ, bổ sung nước mới.
– Khi thời tiết thay đổi cần tăng thêm số lần kiểm tra vào ban đêm, dùng các biện pháp an toàn, bảo đảm cho ao cá không xảy ra sự cố.
– Luôn luôn chú ý diệt trừ cá tạp xung quanh ao, xử lý tốt tạp chất, trong ao và màng nổi sinh vật trên mặt nước, thức ăn thừa và cá bệnh; định kỳ bón vôi sống để cải thiện chất nước.
– Cần ghi chép các tình hình về: Khí hậu, nhiệt độ nước, độ trong nước, lượng cho ăn, bệnh tật, thay đổi nước và sự sinh trưởng, nổi đầu
5. Thu hoạch
Sau 6 – 8 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm tiến hành thu hoạch, khi cá Nheo đạt kích cỡ thương phẩm 1,5 – 1,8 kg/con thì thu hoạch toàn bộ, kích cỡ thu hoạch tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.