Một số tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong canh tác cây ăn quả

  1. Hệ thống tưới phun tán

          Trước đây, vườn cây ăn quả lâu năm chủ yếu áp dụng biện pháp tưới bồn dùng dây tưới di động đến từng gốc cây. Hiện nay, biện pháp tưới phun dưới tán sử dụng hệ thống cung cấp nước tưới cố định dần được phát triển. Hệ thống này giúp việc tưới nước không phụ thuộc vào lao động thủ công, hạn chế nặng nhọc trong khi tưới, giảm được lượng nước tưới từ 20-35% so với tưới bồn và giảm chi phí tưới 40-60%, hệ thống có thể hoàn vốn sau 3-4 năm. Thêm vào đó, áp dụng hệ thống tưới cố định này là cần thiết cho việc trồng cây trên mô hay luống cạn nhằm tăng cường thoát nước.

  1. Ghép chuyển đổi giống nhanh

          Được áp dụng trên các vườn sử dụng các giống có chất lượng và giá bán thấp hơn muốn chuyển đổi sang giống có chất lượng và giá bán cao hơn, ví dụ: Chuyển đổi giống đào địa phương hiệu quả kinh tế thấp sang giống đào pháp, dào xanh đường có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc áp dụng, so với trồng mới, giúp rút ngắn thời gian cho quả so với trồng mới 1-2 năm, giảm chi phí 10-20%, rút ngắn thời gian gián đoạn thu nhập của vườn cây.

Hình 1: Vườn lê VH6 bón phân đậu tương thay cho phân NPK và phân đạm

  1. Các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cây lê VH6

    – Việc tỉa cành lê VH6 (loại bỏ 10 cm tính từ đầu ngọn) sau khi thu hoạch sẽ cho ra chồi mới, thời gian thu hoạch quả sớm hơn 25 ngày so với không tỉa cành, làm tăng số quả trên cây dẫn đến làm tăng năng suất cây lê. Nếu tỉa đau (loại bỏ 30 cm tính từ đầu ngọn) sẽ giúp tăng đường kính chồi mới và chiều dài phát hoa, tuy nhiên thời gian ra hoa và thu hoạch quả bị muộn.

    – Bao quả lê vào giai đoạn khi đường kính quả  đạt 2,5-3,5cm bằng các loại túi chuyên dụng giúp hạn chế sâu bệnh tấn công cả giai đoạn trước và sau thu hoạch (sâu đục quả, ruồi đục quả, bệnh thán thư …) tăng giá thành sản phẩm do mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

    – Kỹ thuật bón phân đậu tương thay cho phân đạm và phân NPK: Đối với cây dưới 5 năm, lượng bón cho 1 cây/năm 20 kg phân chuồng hoai mục kết hợp với 3 kg phân đậu tương và 0,5 kg kali sun phat; Đối với cây từ năm thứ 6 trở đi bón 40-50 kg phân hữu cơ kết hợp với 5-6 kg phân đậu tương và 1-1,5 kg kali sun phat.

    Cách bón: Phân hữu cơ bón toàn bộ vào tháng 11; Phân đậu tương, phân vô cơ chia làm 3 lần bón mỗi lần bón 30% tổng lượng tiến hành bón vào các tháng 3, 6 và 11. Phân đậu tương sau quá trình ủ thì cung cấp lượng đạm cây dễ hấp thu, hấp thu nhanh, giúp cứng cây, kích chồi, đặc biệt là ra hoa đậu quả rất tốt, chất lượng quả ngọt. Bón phân đậu tương làm tăng độ tơi xốp của đất, tăng các vi sinh vật trong đất và đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

    1. Kỹ thuật xử lý ra hoa xoài nghịch (trái) vụ:

    Tưới Paclobutrazol 10g/m đường kính tán cây giúp thúc đẩy cây xoài ra hoa tập trung, rút ngắn thời gian từ khi bắt đầu đến khi kết thúc ra hoa. Biện pháp phun KNO3 (nồng độ 1-2%) ở thời điểm 75 ngày sau khi xử lý Paclobutrazolthúc đẩy xoài ra hoa đồng loạt. Tỷ lệ ra hoa xoài sẽ gia tăng nếu kết hợp tốt giữa xử lý Paclobutrazol và tạo khô hạn.

    – Phun NAA (10-20 ppm), Borax (500-1.000 ppm) vào các thời điểm khi phát hoa dài 10 cm (lần 1) và phát hoa bắt đầu nở những bông hoa đầu tiên (lần 2) đều có hiệu quả trong việc hạn chế rụng quả non trên giống xoài.

  2. Hình 2: Vườn xoài ra quả nghịch vụ

  3. Đây là những tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng vào thực tiễn trong canh tác cây ăn quả và cho hiệu quả kinh tế cao./.                                                                                                   

    ThS. Đinh Thị Thu Hà – Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai