Kỹ thuật “trẻ hóa” – Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn cây ăn quả lâu năm

Cây ăn quả là cây trồng lâu năm, nó đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và tương đối ổn định cho người trồng. Chính vì cây ăn quả cho thu nhập cao và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình nên việc trồng cây ăn quả theo phong trào đã mang lại không ít hệ lụy.

Thực tế cho thấy một số trang trại, nhà vườn tự mua giống trên thị trường mà không biết rõ nguồn gốc của giống sau 4-5 năm trồng cây cho thu hoạch thì năng suất, chất lượng quả rất kém dẫn đến việc phải chặt bỏ để trồng lại gây lãng phí, thiệt hại về kinh tế. Bên cạnh đó còn có các vườn cây trồng tận thu nhiều năm cả về mắt ghép và sản phẩm quả nay đã già cỗi, thoái hóa năng suất, chất lượng kém hiệu quả kinh tế thấp…

 Kỹ thuật “trẻ hóa” vườn cây ăn quả là giải pháp vô cùng quan trọng và đem lại hiệu quả cao trong thâm canh cây ăn quả. Then chốt của kỹ thuật “trẻ hóa” là kỹ thuật cắt, ghép tán cải tạo vườn cây đã già cỗi, thoái hóa, cây không cho năng suất ổn định và chất lượng kém. Mục đích của kỹ thuật trẻ hóa là rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản của vườn cây ăn quả từ 2 – 3 năm, tận thu năng suất bằng 70% các vườn cây có 8 – 10 năm. Các bước thực hiện như sau:

  1. Cưa, đốn gốc ghép là giống cũ đã thoái hóa, già cỗi, lạc hậu cần cải tạo

– Đối với gốc cây ăn quả từ 3 – 5 năm như xoài, nhãn, na, ổi, chanh, cam, quýt, bưởi…. Những cây ăn quả này đa số các cành có chiều cao trên 3,0 m, nên ghép tán hạ độ cao của cây.

Hình 1: Vườn Xoài trên 5 năm được cưa đốn và ghép cải tạo

Chọn những cành nhỏ bánh tẻ đường kính cành khoảng 1 – 3cm, độ tuổi từ 6 – 10 năm, cao cách mặt đất 2 – 3 m, cắt các cành làm gốc ghép có cùng độ cao, sau này tán mới hình thành sẽ đều và thuận lợi cho việc đốn tỉa, cắt cách vị trí phân cành khoảng 15 – 20 cm.

– Đối với gốc ghép trên 5 năm: Đây là phương pháp ghép cải tạo phổ biến đối với những vườn cây ăn quả giống cũ lâu năm cằn cỗi, năng suất thấp, cây phát triển quá cao, khó thu hái. Dùng cưa sắc cắt hết cành cấp 1, cành cấp 2, cấp 3 khoảng 30 – 40 cm sau khi thu hoạch quả.

Bón thúc phân nhiều, tưới đủ ẩm sau khi cưa cành để lộc phát triển nhanh. Mỗi cành cấp 1 nảy nhiều chồi, ta tỉa bớt chỉ để mỗi cành 4 – 5 chồi khỏe tỏa đều các phía. Khi các chồi mọc cao 25 – 35cm, đường kính 0,8 – 1,2 cm, các lá non đã thành thục có màu xanh nhạt tiến hành ghép.

Chọn những ngày khô ráo để tiến hành ghép cây, phải đảm bảo ít nhất sau khi ghép 24 giờ không gặp để tỷ lệ cành ghép sống cao.

  1. Phương pháp ghép

Đối với xoài, nhãn, vải… ghép bằng phương pháp ghép nêm đoạn cành, đây là phương pháp ghép cho tỷ lệ sống cao nhất.

Đối với cây họ cam, chanh, ổi, hồng,… ghép theo phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ có tỷ lệ sống cao hơn.

  1. Kỹ thuật ghép cành:

Kỹ thuật ghép nêm đoạn cành: Chọn cây từ 7-10 năm tuổi có năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định để lấy cành ghép. Chọn cành ghép ở vị trí giữa tán, không bị sâu, bệnh hại. Cành ghép nên có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn gốc ghép (đối tượng cây cần cải tạo), cành ghép được cắt thành đoạn dài 10 -20 cm có từ 3 – 6 mầm ngủ.

Dùng dao chuyên dùng cắt một lát cắt tạo vết cắt dài 2- 2,5 cm trên cành ghép. Chẻ một vết trên gốc ghép có chiều rộng và sâu tương tự với kích thước của vết cắt trên cành ghép. Cài cành ghép vào gốc ghép sao cho phần tượng tầng của gốc ghép và cành ghép được tiếp xúc với nhau và dùng giấy nilon mỏng chuyên dùng cuốn kín lại theo chiều từ dưới lên trên.

Hình 2: cách ghép cải tạo cây 

Trường hợp cành ghép quá nhỏ hoặc lớn hơn gốc ghép thì ta đặt sao cho ít nhất một phía tượng tầng của gốc ghép và cành ghép được trùng khớp với nhau.

Trước hết cuốn nhiều vòng dây để cố định cành ghép và gốc ghép, sau đó trải rộng dây nilon và cuốn kín một lượt xung quanh cành ghép, đưa dây nilon trở lại để cố định tại gốc ghép. Sau khi ghép xong cần phun hoặc rắc các loại thuốc trừ kiến để tránh kiến cắn thủng giấy nilon ghép làm khô cành ghép. Sau ghép từ 15- 25 ngày, mầm ghép bắt đầu mọc xuyên qua dây cuốn, tiến hành các biện pháp chăm sóc cây con sau khi ghép. Khi cành ghép ổn định từ 1-2 đợt lộc cần phải tiến hành cắt bỏ dây ghép để tránh thắt mắt ghép.

Kỹ thuật ghép mắt nhỏ có gỗ: Trên gốc ghép (cành bánh tẻ của giống cây cần cải tạo) có đường kính 0,8- 1,2cm, chọn vị trí không có nhánh hoặc mầm ngủ, tiến hành mở gốc ghép có dạng hình lưỡi của gốc ghép. Trên cành ghép của giống cây ăn quả cần lấy, chọn vị trí có mầm ngủ, cắt lấy mắt ghép dạng hình lưỡi có một phần gỗ tương tự như trên gốc ghép. Đặt mắt ghép vào gốc ghép và dùng dây nilon màu trắng quấn lại, lưu ý quấn dây kín từ dưới lên trên để nước mưa khỏi thấm vào và cố định dây ghép.

Trường hợp mắt ghép nhỏ hơn vết mở trên gốc ghép thì đặt mắt ghép lệch về một bên để có ít nhất một phía tượng tầng được tiếp xúc với nhau. Sau ghép 15- 25 ngày, tuỳ chủng loại cây và mùa vụ ghép. Nếu mắt ghép sống (mắt ghép có màu xanh) thì tiến hành cắt ngọn gốc ghép, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây con sau khi ghép.

Với kỹ thuật ghép này, chúng ta có thể ghép thay tán cho vườn cây ăn quả đã già cỗi, vườn cây thoái hóa, vườn cây đốn tỉa sai kỹ thuật, vườn trồng không đúng giống … để tạo vườn cây ăn quả mới như ý muốn, vừa rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản 2-3 năm vừa có vườn cây trẻ khỏe năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao./.

Đinh Thị Thu Hà- Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai