Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lê xt77 (lê đường ruột trắng)

  1. Đặc điểm sinh học

Lê là giống sinh trưởng mạnh, phân cành nhiều phù hợp với khí hậu Bắc Hà, Sa Pa và một số vùng sinh thái của tỉnh Lào Cai nơi có độ cao từ 800 m so với mực nước biển trở lên.

Hình 1: Quả lê XT77

Thân cây non có màu nâu nhạt, thân già màu nâu mốc trắng xù xì. Lá hình elip, mép lá có răng cưa nhỏ, lá màu xanh đậm. Hoa ra thành chùm, mỗi chùm có 7 – 9 hoa, mỗi hoa có 5 cánh, hoa màu trắng. Quả hình tròn dẹt, vỏ màu tím nâu. Thịt quả có vị ngọt mát, hơi chua, hơi chát, tỷ lệ phần ăn được cao, có mùi thơm. Khối lượng quả trung bình 400,0 gram/quả. Quả chín vào đầu đến giữa tháng 7.

  1. Kỹ thuật trồng
  2. Chọn giống: Chọn cây khỏe mạnh không sâu bệnh, có thể trồng cây ghép có bầu hoặc cây gốc ghép rễ trần. Chú ý loại bỏ các mầm mọc ở phía dưới mắt ghép vì đó là mầm của cây dại.

Hình 2: Vườn cây giống Lê XT77

  1. Mật độ: 500 cây/ha, hàng cách hàng 5m, cây cách cây 4m.
  2. Thời vụ: Trồng từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau khi cây rụng lá, chưa lên lá mới và lộc non.
  3. Đất trồng: Lê XT77 trồng được ở nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất và cho năng suất cao ở đất màu mỡ có độ ẩm.

Đào hố có kích thước: 70 x 70 x 70 cm để đất mặt riêng, đất ở đáy hố riêng (lưu ý đào xong dùng xẻng, cuốc xiểm xung quanh hố để tạo các lỗ khí thoát nước tránh úng cục bộ cho cây trồng sau này).

Bón phân mỗi hố: 40 kg phân hữu cơ + 0,5 kg phân lân super + 1 kg vôi bột (Có thể thay thế phân hữu cơ bằng phân vi sinh 13kg). Trộn đều phân với lớp đất mặt đưa xuống đáy hố. Lấp đất đầy hố trước khi trồng 25 – 30 ngày, khi thời tiết thuận lợi sẽ trồng cây. 

  1. Kỹ thuật trồng

Trồng cây giữa hố, bới một hốc nhỏ ở giữa hố trồng, đặt cây vào vị trí, (nếu cây có bầu dùng dao rọc một đường từ trên xuống để lấy túi đựng bầu ra), lấp đất giữ chặt cây nén chặt xung quanh, tưới 10 – 15 lít nước cho 1 gốc. Cắm cọc cố định cây buộc bằng dây nilon để tránh cây bị lay gốc.

III. Kỹ thuật chăm sóc

  1. Giữ ẩm: Dùng cỏ rác khô tủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm, tủ cách gốc 15 – 20 cm.
  2. Tưới nước: Cây lê rất cần đến nước nhất là giai đoạn cây mới trồng và thời gian khô hạn kéo dài. Sau trồng tuỳ tình hình thời tiết 2 tháng đầu tiến hành tưới 1 – 2 lần/1 tuần. Thời kỳ mang quả, cây cần nước để nuôi quả. Tùy theo thời tiết từng năm để điều chỉnh số lần tưới tuy nhiên lê cũng như cây ăn quả khác là không chịu được úng.
  3. Bón phân

Căn cứ vào tuổi cây, tình hình sinh trưởng và khả năng cho năng suất của cây có thể bón lượng phân cho mỗi cây như sau:

– Lượng phân bón:

+ Thời kỳ kiến thiết cơ bản (3 năm đầu): Phân hữu cơ: 40 kg; Đạm urê: 1,0 kg; phân lân super: 2,9 kg; Kali: 0,8 kg; Vôi bột: 1,0 kg.

+ Thời kỳ kinh doanh: Phân hữu cơ: 40 – 50 kg; Đạm urê: 1,3 kg; phân lân super: 3,8 kg; Kali: 1 kg; Vôi bột: 1,0 kg.

– Thời gian bón:

+ Lần 1: Bón nuôi lộc xuân, nuôi hoa vào tháng 2 – 3: Đạm 40% + Kali 30%.

+ Lần 2: Bón nuôi quả và lộc thu vào tháng 5, đầu tháng 6: Đạm 40% + Kali 30%

+ Lần 3: Bón phục hồi tháng 10, tháng 11: Toàn bộ phân hữu cơ + vôi + phân lân + 20% phân kali.

Trong thời gian nuôi quả từ tháng 6 đến tháng 7 bón bổ sung: 5% Đạm Urê + 5 % kaliclorua hòa nước tưới xung quanh gốc, tưới 4 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày khi thời tiết râm mát để bổ sung dinh dưỡng nuôi quả.

– Cách bón: Phân hữu cơ, vôi, phân lân: cuốc rãnh xung quanh tán cây sâu 20 cm, bón phân lấp đất. Với phân đạm và kali: Gạt lớp cỏ tủ gốc rồi rắc phân trên mặt đất theo hình tán cây sau đó phủ lớp cỏ lên để phân bón thấm dần xuống đất và tránh sự bốc hơi gây thất thoát phân bón.

  1. Làm cỏ

Tiến hành làm cỏ thường xuyên để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây lê, đồng thời không để chỗ cho sâu, bệnh trú ngụ. Thông thường làm cỏ 6 – 7 lần/năm, không nên để cỏ có hoa rồi mới phát vì hạt cỏ dễ dàng phát tán trong vườn. Tiến hành nhổ cỏ gốc thường xuyên.

  1. Làm khung giàn cố định tán, tỉa cành tạo tán

Đây là khâu kỹ thuật quan trọng để quyết định đến năng suất quả.

Nếu có điều kiện thì đầu tư hệ thống khung giàn làm bằng cột bê tông cốt thép cao 2,0 m, chôn sâu 40 cm (hoặc ống kẽm đường kính 32 mm), hàn toàn bộ khung bằng đường ống kẽm đường kính 20 mm, căng toàn bộ giàn bằng thép 6 mm. Khoảng cách 50 – 60 cm một dây. Cột chôn giữa hàng cây khoảng cách 3 -4 m một cột đổ đáy bê tông sâu 40 cm

Hình 3: Vườn lê XT77 đang khai thác quả

Nếu không có điều kiện thì vin uốn cành bằng cách dùng dây ni lông buộc cố định một đầu vào cành, uốn cành theo vị trí mong muốn và đầu dây còn lại buộc vào gốc hoặc ghim xuống đất.

Kỹ thuật vin cành: Thông thường vào năm thứ 2 sau trồng chọn 3 – 4 cành cấp 1 để tạo bộ khung tán, mỗi cành cấp 1 để lại 2 – 3 cành cấp 2, vin cành tạo tán theo khung giàn đã được định hình, hoặc vin cành theo góc 750 theo gốc. Vin cành vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 khi cây vừa rụng lá, lưu ý vin cành bằng cách vặn hơi xoay nhẹ không để bị gãy hoặc dập cành.

Hàng năm cần cắt tỉa các cành mọc không đúng chỗ, tỉa các cành la, cành tăm để tập trung dinh dưỡng.

  1. Bọc quả

Để quả lê có mẫu mã đẹp, hạn chế sâu bệnh đặc biệt là ruồi đục quả nên sử dụng túi bọc quả chuyên dụng để bọc quả. Bọc khi quả có đường kính 3 – 5 cm, hoặc kết thúc rụng quả sinh lý tiến hành bọc quả dùng túi lồng vào quả sau đó dùng ghim dập định vị túi bọc quả trên cành.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

Ở mỗi giai đoạn phát triển, cây bị sâu bệnh hại khác nhau tấn công. Khi sâu bệnh xuất hiện đến ngưỡng phòng trừ mà thiên địch không đủ khả năng khống chế thì cần áp dụng biện pháp phòng trừ bằng thuốc hoá học.

– Sâu đục thân: Là sâu non của các loại xén tóc đục vào thân cây, cành làm cho cành bị héo khô, quả nhỏ, rụng bị nặng làm chết cả cây.

Phòng trừ: Biện pháp sinh học: Phòng trừ bằng cách quét vôi gốc cây cao 60 – 70 cm vào tháng 11 – 12 trong năm, cắt những ngọn cành bị héo trong vụ xuân và đốt, dùng dây thép, tay mây để chọc chết hoặc bắt sâu non, sâu trưởng thành (các loại xén tóc), nuôi ong bắp cày (loài thiên địch của sâu đục ngọn) trong vườn. Nếu không hiệu quả thì dùng một số loại thuốc trừ sâu sinh học có hoạt chất sinh học abamectin tẩm bông nhét vào lỗ sâu đục và phun diệt trứng sâu.

– Rệp: Gây hại trên chồi non, quả,… làm lá quăn queo, bị muội hóng làm đen quả…

Phòng trừ: Bằng cách cắt bỏ các cành lá bị sâu bệnh và già, dọn sạch cỏ, lá rụng mang đi xa đốt tạo độ thông thoáng cho cây phát triển. Mùa nắng dùng vòi nước phun rửa bớt rệp và tăng độ ẩm cho cây. Biện pháp hóa học: Khi rệp xuất hiện phun trừ bằng thuốc sinh học có hoạt chất abamectin hoặc một số thuốc BVTV trừ rệp đang được lưu hành và theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

– Sâu ăn lá: Là loài sâu ăn tạp, thường cắn phá đọt non làm bộ lá còi cọc xơ xác.

Phòng trừ: Làm sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng để sâu bướm không có chỗ trú ngụ. Sử dụng các thuốc có hoạt chất sinh học abamectin để phun phòng trừ. Nếu mật độ nhiều, không hiệu quả thì dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị sâu ăn lá để phun trừ theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì.

– Bệnh sém lá: Gây hại lá, đọt non và quả, bệnh làm cho các bộ phận của cây bị thối đen.

Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng, khi thấy xuất hiện bệnh thì cắt bỏ bộ phận bị bệnh và tiêu huỷ nơi xa. Bị nặng thì tiến hành phun thuốc trừ bệnh có hoạt chất mancozeb 85%, hoặc mancozeb + metalaxin để trừ bệnh. 

– Ruồi đục quả: Gây hại trên quả ở giai đoạn trái gần chín. Ruồi đẻ trứng vào quả, sâu non  nở đục khoét thịt quả làm hư thối quả.

Phòng trừ: Cách phòng tránh ruồi đục quả hiệu quả nhất là tiến hành bọc quả. Thu dọn quả rụng trên vườn đem chôn sâu xuống đất. Đặt trong vườn các loại bẫy ruồi đục quả. Nếu ruồi đục quả nhiều kết hợp sử dụng hỗn hợp 15 % bả sinh học SOFRI Protein + 0,1 g Regent 800 WG phun trừ.

  1. Thu hái và bảo quản

Thu hái khi quả bắt đầu chín vỏ quả chuyển màu xanh vàng, nếu vận chuyển xa cần thu hái sớm. Khi thu hái cần nhẹ nhàng, không làm dập nát hoặc sây sát quả. Quả thu hái xong cần đặt vào thùng gỗ, hộp cứng để vận chuyển không bị dập nát. Bảo quản quả ở nơi khô ráo thoáng mát./.

Ths. Phạm Văn Huấn – Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai