GIẢI PHÁP NUÔI CÁ TRẮM CỎ THÂM CANH

Cá trắm cỏ là đối tượng nuôi rất phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước và cũng là nguồn cung cấp thực phẩm chính trong nhân dân đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. Với đặc điểm là loài ăn cỏ, dễ nuôi không đòi hỏi nhiều về dinh dưỡng, chi phí sản xuất thấp nhưng giá thương mại lại cao. So với các loài cá truyền thống khác như cá rô phi, cá mè, trôi, trê phi, cá chép…cá trắm cỏ luôn có giá bán cao nhất và ổn định hơn so với những loài cá truyền thống, dao động từ 55.000 – 65.000 đồng/kg tại ao và rất dễ tiêu thụ.

Nhân dân tham quan mô hình thí nghiệm nuôi theo công nghệ vi sinh

Cá trắm cỏ được ví như “con trâu nước” bởi đây là loài thủy sản ăn cỏ nên được liệt vào danh sách đối tượng nuôi cho người nghèo và là đối tượng kinh tế đối với những hộ có ít vốn đầu tư vì chi phí đầu tư thấp, chủ yếu lấy công làm lãi do vậy phù hợp với tất cả người dân nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh những ưu điểm trên của cá trắm cỏ thì những hạn chế về công nghệ nuôi, phòng trị bệnh, công tác chọn giống đang gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân làm cho năng suất, sản lượng của cá trắm cỏ luôn thấp là do đây là loài mẫn cảm với môi trường, mầm bệnh nên tỷ lệ sống thấp. Trải qua một quá trình dài cá trắm cỏ không được quan tâm đầu tư nghiên cứu chọn giống để tăng cường sức đề kháng, công nghệ nuôi có cải tiến nhưng chưa đáng kể vẫn chủ yếu là nuôi ghép mật độ thấp, một số bệnh xảy ra trên cá kết quả điều trị không cao, các bệnh do vi rút chưa có thuốc đặc trị…

Mặt khác, trước tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho giá thành thức ăn lên cao tác động trực tiếp đến hiệu quả của người nuôi đối với các loài thủy sản sử dụng thức ăn công nghiệp, thì chăn nuôi cá trắm cỏ thâm canh chính là nguồn thu bù đắp cho chi phí nuôi các loài cá khác.

Từ những nguyên nhân nêu trên để giải quyết thực tế đặt ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cá trắm cỏ từ đó sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn như:

1. Về công tác chọn giống

Đây là nhiệm vụ được quan tâm hàng đầu vì trải qua nhiều thế hệ cá bố mẹ không được lưu giữ, chọn lọc thuần chủng, sinh sản cận huyết thống dẫn đến suy giảm sức đề kháng, tính trạng lặn đã thể hiện ở thế hệ con lai nên rất mẫn cảm với mầm bệnh khi gặp môi trường, khí hậu bất lợi. Tình trạng này phổ biến ở hầu hết các tỉnh, các Viện.Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nhưng nhất định phải thực hiện, vì vậy cần tập trung cho công tác chọn giống đặc biệt chuyển gen kháng bệnh cho cá hoặc lai khác vùng địa lý để nâng cao sức đề kháng đối với các bệnh phổ biến trên cá như xuất huyết do vi rút, đốm đỏ, lở loét, ký sinh trùng…

2. Về công nghệ nuôi

Hiện nay trên thế giới cũng như trong nước đang áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như công nghệ vi sinh, công nghệ na nô… để có thể nuôi với mật độ cao, chi phí đầu tư thấp, hạn chế hao hụt, kích thích cá bắt mồi tốt, luôn ổn định môi trường làm cho cá sinh trưởng nhanh, hạn chế dịch bệnh.

Khi có được con giống sạch bệnh, sức đề kháng cao sẽ là điều kiện để nghiên cứu nuôi với mật độ cao như 100% nuôi đơn loài thay vì nuôi ghép mật độ tối đa 50% cá trắm cỏ như hiện nay. Ngoài hình thức nuôi ao hồ nhỏ có thể nhân rộng nuôi theo hình thức lồng bè nhằm khai khác tối đa nguồn tài nguyên nước từ các hồ thủy điện, hồ thủy lợi của tỉnh hiện nay đang có. Khuyến cáo nhân dân tập trung trồng cỏ làm thức ăn cho cá hoặc sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp để giám chi phí đầu tư đem lại hiệu quả cho nhân dân.

3. Về phòng trị bệnh

Hàng năm cá trắm cỏ đều xuất hiện bệnh ở các khu vực nuôi trồng thủy sản trong tỉnh làm ảnh hưởng tới chi phí đầu tư và lợi nhuận. Do vậy cần chuyển giao kỹ thuật phòng trị bệnh sử dụng các hoạt chất có nguồn gốc thực vật, hạn chế sử dụng kháng sinh ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Áp dụng công nghệ sản xuất vi sinh tỏi làm thuốc phòng bệnh cho cá trắm cỏ rất hiệu quả, rẻ tiền, thân thiện với môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đem lại hiệu quả cần thực hiện đồng bộ cả ba giải pháp trên sẽ là điều kiện để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế và chuyển dịch cơ cấu ngay trong nội tại và đây cũng chính là giá trị tăng thêm trong thời gian tới./.

 

                                                                                                                                      ThS.Nguyễn Tiến Dũng

                                                                                                                                     Trung tâm Giống Nông nghiệp