Khảo nghiệm thành công giống lúa Séng cù tại vùng thấp Lào Cai

Giống lúa Séng cù vốn chỉ được gieo trồng ở một số địa phương vùng cao, nay đã khảo nghiệm thành công tại xã Lương Sơn, một xã vùng thấp thuộc huyện Bảo Yên.

Giống lúa Séng cù vốn chỉ được gieo trồng ở một số địa phương vùng cao, nay đã khảo nghiệm thành công tại xã Lương Sơn, một xã vùng thấp thuộc huyện Bảo Yên.


Lúa Séng cù sinh trưởng và phát triển tốt trên đồng ruộng Lương Sơn.

Thực hiện chương trình sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh, vụ mùa năm 2011, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND huyện Bảo Yên khảo nghiệm một số giống lúa chất lượng cao như Séng cù, Quế 99 tại xã Lương Sơn (Bảo Yên).

Qua 1 vụ khảo nghiệm, giống lúa này tỏ ra rất phù hợp với đồng đất khí hậu của địa phương. Từ trước đến nay, người dân vẫn quan niệm rằng giống lúa Séng cù hoặc những giống lúa chất lượng cao khác chỉ thích hợp và cho năng suất, chất lượng gạo ngon ở các vùng cao như Mường Khương, Bát Xát, chứ không thể trồng ở các huyện vùng thấp. Những quan điểm đó nay đã thay đổi nhờ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới thông qua việc thực hiện các mô hình khảo nghiệm giống lúa chất lượng cao trên các đồng đất khác nhau.

Xã Lương Sơn được lựa chọn để trồng khảo nghiệm giống lúa Séng cù, diện tích trồng khảo nghiệm là 15 ha, với 78 hộ tham gia, sau hơn 3 tháng đã thu hoạch. Tại buổi tổng kết đánh giá kết quả mô hình, toàn bộ người dân trong xã và một số xã lận cận thuộc huyện Bảo Yên cùng một số huyện vùng thấp khác trong tỉnh được tham quan mô hình, trực tiếp mắt thấy, tai nghe và tay sờ những bông lúa Séng cù được trồng trên đồng đất vùng thấp của huyện Bảo Yên. Cũng tại điểm tham quan mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã gặt, thống kế để tính toán năng suất thực thu của giống lúa này. Kết quả tính toán cho thấy, giống lúa này ước đạt 78 đến 80 tạ/ha, với giá bán bình quân hiện này là 13.000đ/kg, mỗi ha sẽ cho trên 100 triệu đồng, trong đó chi phí đầu vào khoảng 22 triệu, người dân vẫn thu lãi khoảng 78 triệu đồng/ha. Đặc biệt, người dân yên tâm đối với đầu ra của giống lúa này, vì thực tế hiện nay gạo Séng cù không đủ cung cấp cho thị trường.

Theo kinh nghiệm của người dân thì vụ mùa thường là vụ không an toàn vì thường bị sâu bệnh gây hại, nhất là đối với những giống lúa có mùi thơm như Séng cù, Hương thơm, Quế 99… nhưng qua theo dõi mô hình cho thấy khả năng chống chịu sâu bệnh tương đối khá.

Séng cù là giống lúa thuần, vì vậy người dân có thể tự để giống cho vụ sau. Chính vì thế mà hầu hết các hộ tham gia mô hình và một số hộ khác tại xã Lương Sơn cho biết cho dù vụ tới người dân trong xã không được hỗ trợ giống hay phân bón nữa nhưng họ vẫn tiếp tục trồng và nhân rộng giống lúa này tại xã mình. Hiện nay, các hộ tham gia mô hình đang gặt và lựa chọn những ruộng đẹp, đủ tiêu chuẩn để làm giống cho vụ tới.

Cùng với các giống lúa đặc sản khác như DDS1, Hương thơm, LC 270… đã được khảo nghiệm thành công và đang được bổ sung vào cơ cấu giống lúa chất lượng cao của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Lào Cai tiếp tục trồng khảo nghiệm giống lúa Séng cù tại một số địa phương vùng thấp khác trong tỉnh để thực hiện mục tiêu mở rộng diện tích lúa chất lượng cao với quy mô 2.000 ha vào năm 2015 cũng như đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu thị trường và giúp nông dân làm giàu từ cấy lúa.