KỸ THUẬT CẮT TỈA TẠO TÁN CÂY ĂN QUẢ ÔN ĐỚI

        Những năm gần đây, tại các xã vùng cao, vùng trung tâm của huyện Bắc Hà, cây lê VH6, mận địa phương, đào Pháp đang trở thành cây trồng chủ lực. Cùng với cây mận Tam hoa, huyện Bắc Hà đang dần hình thành tập đoàn cây ăn quả ôn đới cho giá trị kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

       Để cung cấp những cây giống chuẩn chất lượng Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu, chọn tạo, khảo nghiệm các giống cây ôn đới phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Bắc Hà nói riêng và khu vực vùng núi trong và ngoài tỉnh nói chung. Ngoài cung cấp những cây giống chuẩn chất lượng Trung tâm còn, theo dõi hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc các cây ăn quả sau khi cung cấp giống.

      Bắc Hà là vùng trọng điểm trồng cây ăn quả ôn đới của tỉnh với diện tích 1.554 ha, trong đó Mận tam hoa là 548 ha, Mận địa phương 457 ha, Lê 333,4 ha, cây ăn quả khác 215,6 ha. Diện tích đã cho thu hoạch là 1.245 ha, chiếm 80,1% tổng diện tích. Hiện tại đã bước sang giai đoạn cuối năm là tháng 11, tháng 12 cần tiến hành làm cỏ, bón phân, cắt tỉa; trong đó biện phát cắt tỉa là một kỹ thuật cực kỳ quan trọng giúp tạo tán cây trồng theo ý muốn chăm sóc, thu hoạch được tốt nhất.

Hình 1: cây mận trước khi cắt tỉa

Hình ảnh 2 : Cây Mận sau khi cắt tỉa

      Đối với cây Mận, cây Đào giai đoạn kiến thiết cơ bản tức là 3 năm đầu sau trồng tiến hành tao tán cây hình phễu là giữ lại từ 3-4 cành chính xuất phát từ một điểm của thân chính cách mặt đất khoảng 30-40 cm. Những cành chính này luôn tạo thành một góc sao cho trung tâm của cây mở ra, cành phân bố đều các phía. quả được mọc từ các cành bên và cành chính này. Đối với giai đoạn thu hoạch tiến hành loại bỏ những cành vô hiệu, những cành quá yếu. Tỉa cành mọc chụm phía trong tán cây. Tỉa bớt chỉ giữ lại những cành 1 năm cách nhau khoảng 30 cm, loại bỏ những cành mọc thấp hơn 50 cm. Cắt bỏ một phần đầu cành ngay phía trên mắt mầm, cắt ngọn các cành bên dài quá 40 cm.

 

     Đối với cây Lê thông thường vào năm thứ 2 thứ 3 sau trồng, cây cao từ 2,5-3m chọn 3-4 cành cấp 1 để tạo bộ khung tán, mỗi cành cấp 1 để lại 2-3 cành cấp 2, vin cành tạo tán theo khung giàn đã được định hình, hoặc vin cành theo góc 90 độ theo gốc cây. Vin cành vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 khi cây vừa rụng lá, lưu ý vin cành bằng cách vặn hơi xoay nhẹ không để bị gãy hoặc dập cành. vin uốn cành bằng cách dùng dây ni lông buộc cố định một đầu vào cành, uốn cành theo vị trí mong muốn và đầu dây còn lại buộc vào gốc hoặc ghim xuống đất.

Hình ảnh 3: Kỹ thuật vin, cắt tỉa cây Lê

       Lưu ý kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán vin cành đối với cây Mận, Lê, Đào cần được thực hiện vào giai đoạn cuối năm khi cây trồng ngủ nghỉ và phải được tiến hành hàng năm. Khi tiến hành kỹ thuật phải có dụng cụ cưa, kéo cắt cành chuyên dụng không dùng dao chặt gây ảnh hưởng đến cây trồng. Đây là các biện pháp kỹ thuật cực kỳ quan trọng quyết định đến năng suất quả do đó người dân cần phải thực hiện.

       Trên đây là kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán vin cành đối với cây mận, lê, đào, Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai khuyến cáo nhân dân chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để có vụ mùa bội thu.

Nguyễn Mạnh Dương – Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai.