h

KỸ THUẬT NUÔI CÁ CHÉP LAI V1

I. Giới thiệu
– Cá chép chọn giống V1 là thế hệ chọn lọc thứ 6 của những cá lai 3 máu (hay còn gọi là con lai kép) giữa cá chép Việt nam, Hungary và Indonesia. Hiện nay cá chép V1 được nuôi phổ biến ở Việt nam, được đánh giá rất cao về giá trị kinh tế.
– Cá chép V1 đã tập hợp được những đặc điểm di truyền quý của 3 loại cá thuần chủng như chất lượng thịt thơm ngon, sức sống cao, khả năng chống chịu bệnh tốt của cá chép Việt nam; Thân ngắn và cao, đầu nhỏ, ngoại hình đẹp cùng tốc độ tăng trọng nhanh của cá chép Hungary; Đẻ sớm và trứng ít dính của cá chép Indonesia. Nói chung, cá có giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm nuôi trồng tại Việt nam.
II. Kỹ thuật nuôi bán thâm canh/thâm canh thương phẩm
1. Chọn địa điểm xây dựng ao nuôi
– Chọn địa điểm xây dựng ao nuôi phải thuận lợi trong việc đi lại, nên chọn địa điểm xây dựng ao nuôi ở gần nhà để tiện chăm sóc và bảo vệ.
– Diện tích: Tuỳ thuộc vào điều kiện diện tích đất, mặt nước để xây dựng hình dạng ao nuôi. Diện tích thích hợp từ 1.000 – 5.000 m2. Mức sâu 1,5 – 2m. Bờ ao cao hơn mực nước cao nhất tối thiểu 0,5 m. Bùn đáy dày không quá 20 cm. Ao có cống cấp và thoát nước thuận tiện.
2. Chuẩn bị ao
2.1. Đối với ao đã nuôi cá
– Tháo cạn nước, dọn sạch cỏ, tu sửa bờ, đăng cống, vét bùn nếu lượng bùn quá nhiều, bắt hết cá cũ, cá dữ và phát quang bụi rậm quanh ao.
– Vét lớp bùn đen ở đáy ao, lấp hết các hang hốc quanh bờ và tiến hành gia cố bờ đê chắc chắn.
– Bón vôi khắp đáy ao để diệt cá tạp và các mầm bệnh bằng cách rải đều từ 7 đến 10 kg vôi bột cho 100 m2 đáy ao, tuỳ theo độ pH của ao nuôi.
– Cày lật, bừa san phẳng nền đáy ao.
– Phơi nắng 3 – 5 ngày để phân huỷ mùn bã hữu cơ ở đáy ao, tiêu diệt các loại mầm bệnh trong ao.
– Sau tẩy vôi 3 – 5 ngày, bón lót bằng cách rải đều khắp ao từ 20 – 30 kg phân chuồng và 50 kg lá xanh cho 100 m2 (loại lá cây thân mềm để làm phân xanh). Lá xanh được băm nhỏ rải đều khắp đáy ao, vùi vào bùn hoặc bó thành các bó nhỏ từ 5 đến 7 kg dìm ở góc ao.
– Lấy nước vào ao ngập từ 0,3 – 0,4 m, ngâm 5 đến 7 ngày, vớt hết bã xác phân xanh, lấy nước tiếp vào ao đạt độ sâu 1m. Dùng lưới lọc nước có kích thước mắt lưới từ 0,5 – 1mm đề phòng địch hại theo nước vào ao.
2.2. Đối với ao mới đào
Cấp nước vào đầy ao, ngâm ao 3 – 5 ngày, sau đó tháo nước ra. Làm như vậy vài lần để rửa phèn trong ao. Sau đó tiến hành bón vôi, cày lật và bón lót đáy ao với liều lượng như trên.
3. Chọn và thả cá giống
– Chọn cá giống: Chọn mua giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín. Cá giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng: Cỡ cá 4 – 6cm, cá thả nuôi phải đồng đều kích cỡ, cá giống khoẻ, hoạt động nhanh nhẹn, nhìn ngoài màu sắc sáng đẹp, không bị lở loét, không mất nhớt vây, vẩy hoàn chỉnh, không bị dị hình.
– Mật độ thả: Nuôi bán thâm canh 0,5 – 1 con/m2; nuôi thâm canh 1 – 1,5 con/m2.
– Mùa vụ thả: Từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.
– Thả giống: Thả cá giống vào sáng sớm từ 6 – 9 giờ hoặc chiều tối khi trời mát, thả đầu hướng gió, không thả vào buổi trưa hoặc trời nắng gay gắt. Trước khi thả cá giống cần cân bằng nhiệt độ của nước trong túi chứa cá và nhiệt độ nước ao bằng cách ngâm cả bao chứa cá xuống ao nuôi từ 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ trong túi và ao nuôi sau đó cho nước vào túi từ từ đến khi nước đầy túi thì thả cá ra nhằm tránh gây sốc cho cá.
4. Thức ăn
– Loại thức ăn: Thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến có hàm lượng đạm 20 – 30%.
– Lượng thức ăn hằng ngày tính theo khối lượng cá dự kiến có trong ao được quy định trong bảng sau:
Bảng 2: Chế độ cho ăn và khẩu phần ăn theo kích cỡ cá sử dụng
Cỡ cá (g/con) Loại thức ăn Lượng cho ăn (% trọng lượng)

 

 Cở cá (g/con)  Loại thức ăn  Lượng cho ăn (% trọng lượng)
 5-20  Dạng viên mảnh, >30% đạm  8-9
 20-100  Dạng viên nén, 30% đạm  4-6
 100-300  Dạng viên nén, 28% đạm  2-3
 >300 Dạng viên nén, 26% đạm  2

– Cách cho ăn: Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều lúc trời mát. Thức ăn để vào sàn ăn đặt cách đáy ao 10 – 20 cm. Cứ 300 m2 ao, đặt một sàn cho cá ăn. Nên cho ăn vào một thời gian nhất định của mỗi buổi và cho ăn tập trung tại những vị trí cố định trong ao để tạo thói quen cho cá.
– Khi sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn tự chế biến phải chú ý đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thức ăn không được nhiễm nấm mốc, độc tố và không đưa các loại kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng vào thức ăn.
5. Quản lý ao nuôi
– Hàng ngày kiểm tra ao vào buổi sáng sớm phát hiện kịp thời trường hợp cá nổi đầu, thiếu ôxy, màu nước quá đặc, cá bị bệnh…. Đồng thời quan sát bờ ao, cống để khi có sự cố xảy ra thì xử lý kịp thời.
– Đối với phương thức nuôi thâm canh sử dụng hệ thống quạt nước tăng cường lượng oxy trong ao nuôi.
– Cho cá ăn hàng ngày đảm bảo đủ lượng và chất (không thừa để tránh lãng phí và ô nhiễm). Trong nuôi thâm canh sử dụng hệ thống máy bắn thức ăn để cá ăn được đồng đều.
– Không sử dụng phân tươi bón xuống ao, không cho cá ăn thức ăn mốc, thối…Không dùng thuốc, hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm vào phòng
trừ bệnh cho cá.
– Ðịnh kỳ 15 ngày khử trùng 1 lần nước ao bằng vôi bột với lượng 2 kg/100m2 nước ao.
– Thường xuyên treo túi vôi bột cạnh sàng cho cá ăn với lượng 2 – 4 kg/túi/sàn. Sử dụng chế phẩm sinh học, vitamin để tăng cường sức đề kháng, khả năng hấp thụ thức ăn.
* Đối với nuôi thâm canh cần chú ý:
– Máy sục khí: Do nuôi cá ở mật độ cao, lượng oxy hoà tan từ không khí vào nước do sóng gió tự nhiên và lượng oxy do tảo quang hợp tạo ra không đủ cho cá hô hấp, đặc biệt là vào ban đêm. Máy sục khí được sử dụng nhằm tăng cường thêm sự hoà tan oxy từ không khí vào nước. Chế độ vận hành máy sục khí trong ao nuôi thâm canh được điều chỉnh theo thời gian nuôi như sau:
+ Tháng nuôi 1 – 2: Không sục khí.
+ Tháng nuôi 3 – 4: Sục khí 4 – 5 giờ/ngày, từ 2 giờ – 5 giờ sáng.
+ Tháng nuôi 5 – 6: Sục khí 6 -7 giờ/ngày, từ 0 giờ – 7 giờ sáng.
+ Chú ý sục khí vào những ngày thay đổi thời tiết, không có nắng. Những ngày trời mưa to, nhiều gió giảm thời gian quạt khí.
– Chế độ thay nước: Trong quá trình nuôi chất thải của cá làm cho nước ao bẩn nhanh chóng, có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học hoặc thay nước tích cực nhằm cải thiện môi trường ao nuôi. Chế độ thay nước tích cực bắt đầu từ tháng nuôi thứ 3 đến hết chu kỳ nuôi, lượng thay từ 30% lượng nước trong ao.
6. Thu hoạch
– Sau khi nuôi 8 – 10 tháng, cá đạt trọng lượng 0,6 – 0,8 kg/con, có thể thu hoạch cá thịt. Trước khi thu hoạch 1 – 2 ngày ngưng cho cá ăn.
– Thu hoạch: Giảm mực nước từ 1/3 – 1/2 lượng nước trong ao, dùng lưới kéo, tránh để cá sặc bùn. Sau đó tháo cạn bắt hết số cá còn lại