Phòng và trị bệnh xuất huyết ở cá Trắm cỏ

       Trong nuôi trồng thủy sản tại Lào Cai hiện nay đang phát triển mạnh nhiều hình thức nuôi, đối tượng nuôi. Tuy nhiên điều kiện khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, môi trường nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm, bệnh trên đối tượng nuôi trồng thủy sản ngày càng xuất hiện nhiều trong khi đó người nuôi vẫn đang áp dụng theo kinh nghiệm là chính, việc phòng bệnh cho cá vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nên trong quá trình nuôi, mỗi khi cá bị bệnh việc chữa trị còn lúng túng gây thiệt hại lớn đến kinh tế hộ.

       Các đối tượng nuôi truyền thống lâu nay như mè, trôi, trắm, chép vẫn được duy trì và thả nuôi với nhiều hình thức như: nuôi đơn, nuôi ghép, lồng bè.v.v..do được thị trường ưa chuộng, thịt thơm ngon, chi phí thấp, nên cá trắm cỏ vẫn là đối tượng được các hộ chọn nuôi thả chính trong ao, lồng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá trắm cỏ vẫn gặp phải khó khăn lớn nhất đó là dịch bệnh. Đặc biệt bệnh xuất huyết đốm đỏ do vi khuẩn và vi rút gây thiệt hại lớn nhất đối với nghề này. Về mùa vụ, thông thường cá phát bệnh khi nhiệt độ nước từ 25 – 32 độ C, xuất hiện vào cuối Xuân đầu Hè (từ tháng 3 đến tháng 5) và mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10.

          Bệnh đốm đỏ ở cá trắm cỏ thể hiện ở hai dạng: là xuất huyết đốm đỏ do vi khuẩn và vi rút gây ra. Đối với cá bị bệnh cần phân biệt một cách chính xác những dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của từng loại để đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

          Về dấu hiệu bệnh lý bên ngoài chúng đều biểu hiện giống nhau: cá Trắm cỏ kém ăn hoặc bỏ ăn bơi lờ đờ trên tầng mặt. Da cá màu tối, mất nhớt và khô giáp, trên thân cá xuất hiện các đốm đỏ, mang xuất huyết và tái xám, dính bùn, mắt lồi, hậu môn sưng đỏ, đặc biệt cá có mùi tanh đặc trưng. Khi giải phẫu và quan sát, ruột xuất huyết và không có thức ăn, cơ quan nội tạng đều xuất huyết và có dịch.

          Cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do vi khuẩn: dấu hiệu bệnh lý đó là vẩy rụng và bong ra, các vây xơ rách, tia vây cụt dần, xuất hiện các đốm đỏ trên thân và các gốc vây quanh miệng, dần dần các vết loét ăn sâu vào cơ thể. Khi giải phẫu và quan sát cá bị bệnh ta thấy ruột chứa đầy hơi, thành ruột xuất huyết, nhiều chỗ bị hoại tử. Cá bị bệnh từ 1 – 2 tuần có thể chết với tỉ lệ từ 30 – 40%.

         Cá trắm cỏ bị bệnh xuất huyết do vi rút: Dấu hiệu bệnh lý là xoang miệng, xoang mang, nắp mang, mắt và gốc vây đều xuất huyết đặc biệt là dưới lớp da xuất huyết, cá bị nặng toàn thân xuất huyết, tróc vẩy và lớp da của cá làm cơ dưới da có màu đỏ. Quan sát bên trong thành ruột xuất huyết cục bộ nhưng không hoại tử. Nếu cá bị bệnh 3 – 5 ngày có thể chết và tỉ lệ chết từ 60 – 80% nhiều ao tỉ lệ chết 100%.

       Biện pháp phòng bệnh: Khi cá bị bệnh thì việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn, do đó chúng ta cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho cá. Mỗi vụ nuôi cần có thời gian tẩy trùng ao, lồng nuôi, giống thả phải đạt kích cỡ và không có mầm bệnh, mật độ thả nuôi phù hợp (dưới 2 con/m2). Trong quá trình nuôi thường xuyên khử trùng môi trường nước nuôi bằng vôi với liều lượng 2kg vôi bột/100m3, hoà loãng với nước tạt đều khắp ao từ 1 – 2 lần/tháng. Đối với lồng nuôi cá thường xuyên treo túi đầu nguồn nước, liều lượng 2- 4kg/100m3 nước lồng. Trong khẩu phần ăn hàng ngày giảm lượng thức ăn xanh tăng thức ăn tinh, cho ăn đầy đủ không để cá bị đói và bổ sung các loại vitamin C, B.complex. Đặc biệt tăng cường chất dinh dưỡng trước thời gian chuyển mùa và trong mùa phát bệnh. 

      Định kỳ 15 ngày/lần xử lý nguồn nước bằng dung dịch Aquavina liều lượng 1 lít thuốc/8.000-10.000m3 và cho cá ăn phòng bằng thuốc tiên đắc liều lượng 100g/100kg cá/ngày cho ăn 3 – 5 ngày liên tục.

      Trị bệnh: Nếu cá bị bệnh xuất huyết do vi rút hiện nay không có thuốc đặc trị nên khoanh vùng để tiêu huỷ đàn cá bệnh và có biện pháp tẩy trùng ao nuôi kịp thời tránh bệnh lây lan sang những vùng nuôi xung quanh.

 Đối với bệnh xuất huyết do vi khuẩn: chúng ta có thể sử dụng một trong các loại thuốc để phòng, trị cho cá như: Thuốc KN – 04- 12 cho cá ăn 3 ngày liên tục, liều lượng 2g thuốc/kg cá/ ngày, để phòng bệnh hoặc 6 – 10 ngày liên tục, liều lượng 4g thuốc/kg/ngày. Thuốc Tiên Đắc 1 dùng 100g thuốc/100kg cá cho ăn trong 3-5 ngày liên tục vào các tháng 3, 5 và tháng 8, 10.

      Lưu ý:vào những thời điểm nắng nóng kéo dài sau đó có mưa rào; thời gian chuyển mùa từ Xuân sang Hè hoặc từ Hè sang Thu cá thường xuyên bị bệnh để có biện pháp phòng trị hợp lý.

 

Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai