Quản lý môi trường ao nuôi trong mùa hè

Nhằm hạn chế rủi ro trong nuôi trồng thủy sản vào mùa hè, nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh cho thủy sản nuôi, nhất là trong mùa hè nắng nóng hay xuất hiện những cơn mưa giông bất thường, người nuôi thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Công tác chăm sóc

Vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, tốc độ phân hủy các chất hữu cơ trong môi trường nước nhanh nên việc sử dụng thức ăn cần đặc biệt quan tâm, thức ăn phải sạch, cho ăn đủ lượng, đủ chất, tránh dư thừa. Thức ăn được bảo quản nơi thoáng mát, kê cao thức ăn để đảm bảo thức ăn không bị nấm mốc.

Trong quá trình nuôi cần cho ăn đủ chất đủ lượng, trong mùa hè vào những ngày nhiệt độ tăng cao giảm lượng thức ăn trong ngày từ 30 – 40 %, những ngày mát trời thì cho ăn nhiều hơn, trong ngày cần chọn thời điểm cho ăn thích hợp (sáng sớm và chiều mát), bổ sung thêm vitaminC và khoáng chất tổng hợp vào thức ăn cho cá (lượng theo nhà sản xuất).

 2. Quản lý môi trường nuôi

 – Quản lý chất hữu cơ và độ trong: Để giảm nguy cơ ô nhiễm hữu cơ trong ao, người nuôi cần cho ăn lượng vừa phải, thu dọn sạch thức ăn dư thừa, thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi một cách từ từ nhưng lại rất hiệu quả. Chống xói lở bờ ao và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao, nguồn nước lấy vào ao phải qua lắng lọc.

– Quản lý pH: Định kỳ dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) hay vôi Dolomite (CaMg(CO3)2) để ổn định pH trong ao nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của sinh vật phù du trong suốt vụ nuôi. Giữ nền đáy ao sạch, có thể hút loại bỏ bùn đáy hoặc xử lý lớp hữu cơ đáy ao bằng vôi bột hoặc Zeolite.

– Quản lý nhiệt độ: Nhiệt độ cao cũng đồng nghĩa với lượng oxy hòa tan trong nước giảm đặc biệt đối với những ao nuôi công nghiệp. Để hạn chế cá bị sốc nhiệt người nuôi cần thực hiện một số biện pháp chống nóng cho cá  như: duy trì mực nước trong ao ≥1,5m, trồng cây dây leo(bầu, bí) trên bờ ao làm dàn xuống ao che nắng cho ao, thả bèo trên mặt ao (diện tích 1/3 ao), đào hố trong ao cho cá trú nóng (một ao 1.000 m2 đào 1-2 hố, diện tích hố 1-2 m2, sâu hơn đáy ao 50cm). Đối với nuôi lồng bè cần phủ bạt che mát cho lồng, neo lồng tại khu vực nước sâu.

Ảnh: trồng mướp trên ao chống nóng cho cá: Lợi cả đôi đường

 Trong mùa hè thường xuất hiện những trận mưa rào đột ngột có thể làm thay đổi môi trường ao nuôi như tảo chết kéo theo pH giảm thấp. Người nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết, có kế hoạch bón vôi quanh bờ ao để cân bằng pH khi có mưa bão. Khi mưa lũ xảy ra phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường (lượng 2kg/100 m2 ao), điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước (thay 1/3 tổng thể tích nước trong ao) khi cần thiết.

                                                                                                                                               Đỗ Thành Luân – TTGNN