THÁCH THỨC TRONG VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TẠI ĐỊA BÀN SA PA VÀ GIẢI PHÁP

          Tuy là địa điểm du lịch thu hút đông đảo các khách du lịch từ khắp nơi trong nước và trên thế giới nhưng Sa Pa đang có nền tảng phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các sản phẩm nông nghiệp như một bước tiến nhanh, đúng hướng, tạo cơ sở vững chắc cho địa phương lựa chọn, hoạch định các chương trình phát triển trong tương lai.

Hình 1: Trồng dâu tây phục vụ du lịch trải nghiệm

         Sa Pa có khí hậu mát mẻ quanh năm, phù hợp với việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp ôn đới như các loại rau, hoa, dược liệu… Hiện nay, Sa Pa có gần 300 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu tại những nơi có thời tiết mát mẻ, độ ẩm không khí cao như khu vực thị trấn Sa Pa và những xã lân cận. Một số công nghệ đã được người dân, doanh nghiệp ứng dụng mang lại hiệu quả rõ rệt như xây dựng hệ thống nhà lưới; cơ giới hóa khâu làm đất; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt; sử dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch…

        Bên cạnh trồng nấm, điều kiện khí hậu tại Sa Pa cũng khá lý tưởng cho việc trồng các loại hoa. Trên địa bàn thị xã hiện có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã và 102 hộ đầu tư trồng hoa ứng dụng công nghệ cao như hoa ly, hoa hồng… Diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại Sa Pa hiện nay đạt 168 ha, là địa phương có diện tích ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa lớn nhất tỉnh. Ngoài ra, thay vì canh tác thông thường, các loại rau, cây ăn quả, cây dược liệu cũng được người dân ứng dụng công nghệ cao. Tính bình quân, khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giá trị kinh tế đạt 250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với sản xuất truyền thống.

Hình 2: Ứng dụng công nghệ cao sản xuất cà chua trên địa bàn huyện Sa Pa

         Mặc dù hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất lớn, nhưng để phát triển loại hình sản xuất này tại Sa Pa gặp không ít khó khăn vì địa hình của Sa Pa lại phức tạp, chia cắt mạnh, độ dốc lớn gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giao thông chưa thực sự thuận lợi nên làm tăng chi phí đầu tư, vận chuyển. Trình độ chuyên môn của người tham gia sản xuất còn thấp vì chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao còn mang nặng tư tưởng du canh. Một số cơ sở hạ tầng đặc biệt là giao thông tại các thôn, bản còn khó khăn chủ yếu là đường cấp phối.

        Sản xuất mang tính hàng hóa với diện tích đủ lớn là rất khó, bởi đất đai tại Sa Pa manh mún, nhỏ lẻ và người dân lo ngại khi cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất…Do vậy, để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bên cạnh sản xuất trên diện tích đất tự nhiên, nhà đầu tư cần sản xuất trên giá thể để tận dụng diện tích núi đá, đất bạc màu..

        Từ những vấn đề thực tiễn trên các nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp thực hiện với phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên cây trồng đặc hữu, chuyển đất nương đồi kém hiệu quả sang canh tác cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu, cây ăn quả, cây rau, cây hoa bằng các phương pháp tối ưu nhất có thể. Từ đó huy động nguồn lực xứng đáng cho các dự án sản xuất nông – lâm nghiệp, nhất là các dự án có quy mô lớn, dự án sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

         Hình thành và mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái, trong đó thế mạnh là vùng chuyên canh hoa, dược liệu, sản xuất rau an toàn. Và tích cực huy động nguồn lực đầu tư để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trọng tâm là cải thiện hệ thống hạ tầng, giữ môi trường tự nhiên, phát triển sản xuất hàng hóa và nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Hình 3: Trồng một số loại cây trồng lợi thế phù hợp với điều kiện huyện

         Trong bối cảnh Sa Pa đã lên thị xã, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ được định hướng phát triển gắn với du lịch để khai thác tối đa thế mạnh về điều kiện tự nhiên. Những mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách, làm đa dạng sản phẩm – sản xuất nông nghiệp. Từ đó biến du lịch, dịch vụ – thương mại và sản xuất nông nghiệp là hai mũi nhọn khác nhau hai thành tố có mối quan hệ tương hỗ, tác động lẫn nhau để cùng phát triển và phát triển bền vững.

KS.Trần Tuấn Nghĩa

Trung tâm giống Nông nghiệp