Hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa mai hồng cổ Sa Pa

         Cây mai hồng cổ Sa Pa là loài cây thân gỗ sống lâu năm, gốc cây mai thường phình to, xù xì và không có quả, thích hợp với vùng có khí hậu khắc nghiệt như Sa Pa… Hoa có nụ hoa màu hồng, khi mới nở màu hồng nhạt và chuyển màu hồng đậm khi tàn. Đặc biệt loài này có hai lần nở hoa thời gian kéo dài từ giáp tết đến hết tháng 2. Chính vì màu sắc hoa thanh nhã và nở vào dịp tết nên thu nhập từ cây mai hiện nay rất cao. Để người dân có biện pháp kỹ thuật thích hợp và đúng mùa vụ đem lại nguồn thu nhập cao cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

  1. Chuẩn bị giống:

      Sử dụng cây ghép, cây giâm cành từ cây đầu dòng đã được nghiên cứu, tuyển chọn.

  1. Thời vụ trồng

     Cây mai trồng vào cuối tháng 11 của năm trước đến tháng 3 của năm sau, chính là điều kiện tốt để hình mô sẹo và mọc chồi.

Hình ảnh cây và hoa mai hồng cổ Sa Pa sau trồng 2 năm

  1. Chuẩn bị đất trồng

     Cây hoa mai hồng không kén đất, có thể trồng trên các loại đất thịt, đất cát pha, sét pha, đất phù sa, đất đỏ bazan, hoặc đất có lẫn đá sỏi. Tuy nhiên, với vùng đất thấp cần lên luống rộng 1 – 1,2m, có rãnh thoát nước để mai không bị úng ngập khi mưa hay nước ngầm dâng cao làm úng, thối rễ.

       Riêng mai trồng chậu nên bổ sung tro trấu, xơ dừa, vỏ đậu phộng… và cát sẽ giúp thoát nước rất tốt.

  1. Mật độ trồng: Từ 4.000 đến 6.000 cây/ha
  2. Chăm sóc

     5.1. Tưới nước: Tưới nước thường xuyên đủ ẩm cho cây.

     5.2. Bón phân

     – Bón phân hữu cơ 0,3 – 0,5 kg/cây (1800- 3.000 kg/ha) bón 01 lần/năm, thời gian bón vào tháng 3 hàng năm. Hoặc có thể bổ sung phân Dynamid, lượng bón 1800 kg/1ha.

      – Bón phân hoá học:

     + Giai đọan từ tháng 1 đến tháng 5: là thời kỳ cây tạo tán mới, tích lũy dinh dưỡng. Ở giai đoạn này cây cần tỷ lệ N>P>K  để cây bung mầm, giúp cành lá phát triển. Loại phân bón chuyên dụng là NPK 30-10-10, lượng bón: 25-30 gr/cây (150-180 kg/ha/lần/mật độ 6000 cây) bón vào các tháng 2, 4 và 6.

        Cách bón: xới đất khoảng rìa ngoài của tán cây, bón phân và lấp đất lại, tưới đủ nước thường xuyên (trong mùa khô). Mỗi tháng bón 1-2 lần.

        + Giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 là thời kỳ cây tạo nụ nuôi nụ. Sử dụng phân NPK 20-20-15 lượng bón 150 – 180 kg/1ha/lần/tháng bón 2 lần vào tháng 7 và tháng 10. Thời kỳ này có thể dùng thêm phân bón lá để giúp cây tăng trưởng nhanh, tạo nhiều nụ và hoa.

       + Giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12: Giai đoạn dự trữ năng lượng chuẩn bị ra hoa. Giai đoạn này không bón phân vào gốc và hạn chế tưới nước. Thời kỳ này có thể dùng thêm phân bón lá để giúp cây nở hoa và giữ hoa bền trên cây.

         Bón phân cho hoa trồng chậu: Liều lượng sử dụng phân hữu cơ Dynamid từ 10gr -100gr/ chậu lớn (đường kính 80 – 100 cm). Phân hoá học NPK từ 10gr – 50gr/chậu lớn, Lân hữu cơ sông Gianh từ 10gr – 30gr/ chậu lớn.

         5.3. Làm cỏ:  Làm cỏ thường xuyên cho cây để tránh cạnh tranh dinh dưỡng.

  1. Phòng trừ sâu bệnh

     6.1. Bọ trĩ (Thrips sp.)

     Sử dụng các loại thuốc trừ sâu có hoạt chất Abamectin để phun.

     6.2. Nhện đỏ (Tetranychus sp.)

      Khi phát hiện có nhiều nhện trên cây có thể dùng thuốc: Bio neem

      6.3. Rệp sáp (Dysmiccocus sp): Khi cần thiết thì sử dụng thuốc: Bio neem

     6.4. Sâu ăn lá (Delias aglaia)

       Có thể sử dụng một trong các loại có hoạt chất Abamectin để phun.

      6.5. Bệnh gỉ sắt (do nấm Phragmidium mucronatum)

       Tỉa bỏ các cành lá bệnh rồi tập trung tiêu huỷ. Bón lân và kali tăng sức chống bệnh cho cây, tưới nước vừa phải. Phun thuốc Score, Anvil, Zineb…

       6.6. Bệnh cháy lá (do nấm Pestalotia funereal)

        Bón phân đầy đủ, cân đối tỉ lệ N-P-K, ngắt bỏ lá già, lá bệnh, định kỳ phun thuốc gốc đồng và phân bón lá cho cây.

       Trên đây là một số biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hoa mai hồng cổ Sa Pa để nhân dân áp dụng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao vào mỗi dịp tết đến xuân về.        

                                                   Đinh Thị Thu Hà

 Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai