Hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng chống rét cho đàn cá nuôi

           Trong những năm trước đây nhiều tỉnh, thành sản lượng thuỷ sản bị chết do rét đậm, rét hại gây thiệt hại đáng kể như Hà Nội gần 15 tỷ đồng năm 2016; Thanh Hoá 11tỷ đồng. Tại Lào Cai những năm trước sản lượng thuỷ sản bị thiệt hại do rét rải rác ở một vài địa phương như TP Lào Cai; huyện Bảo Thắng…   Vào mùa đông khi nhiệt độ môi trường xuống thấp sẽ ảnh hưởng đến đời sống của động vật thủy sản, nhất là thủy sản nước ấm, có thể gây chết hàng loạt cho các loài cá chịu lạnh kém như rô phi, cá chim trắng, trắm cỏ, chép….Để giảm thiệt hại về kinh tế trong nuôi trồng thuỷ sản việc chủ động từ sớm là yếu tố quyết định đến khả năng ứng phó với thời tiết cực đoan. Đối với những diện tích nuôi thương phẩm đã đảm bảo kích cỡ thu hoạch, cần tiến hành thu hoạch sớm nhất là các đối tượng chịu lạnh kém, cần thu hoạch sớm trước khi rét đậm rét hại xảy ra. Đối với những diện tích thuỷ sản đang nuôi (chưa đạt kích cỡ thu hoạch, cá bố mẹ, cá giống) cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật chống rét cho cá như sau:

  1. Nuôi ao hồ nhỏ

– Dùng dàn che, tạo nơi trú đông: Thả bèo tây (bèo lục bình) trên mặt ao chiếm 1/3-2/3 diện tích về phía hướng gió để vừa giữ ấm, chống sương muối, vừa bảo vệ môi trường nước ao. Đối với Trại, cơ sở sản xuất giống, nuôi cá bố mẹ, nơi có điều kiện nên làm giàn che chắn hướng gió bằng tre, nứa phủ bạt nilon trắng trên ao để giữ nhiệt; Dùng rào tre, nứa, ống nhựa … bó thành từng bó xếp đứng nghiêng tạo vòng tròn hoặc dùng sọt tre bỏ đầy rơm đã xử lý cắm cọc thả xuống góc ao để cá trú ẩn. Làm sọt rơm bằng cách đan sọt bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Nâng cao mực nước trong ao và duy trì mức nước tối thiểu >1,5m suốt mùa đông. Nếu ao khó nâng cao mức nước cần đào hố trong ao để cá trú rét, mỗi ao cần đào 2-4 hố tùy theo diện tích ao, diện tích hố chiếm 20-30% tổng diện tích ao, hố sâu hơn đáy ao ≥50cm.

Ảnh: Sử dụng bèo che phủ một phần ao nuôi cá

– Nâng cao sức khỏe đàn cá trong ao: Tăng cường cho cá ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Khi nhiệt độ ao nuôi dưới 120C thì ngừng cho ăn.

– Quản lý ao nuôi: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn cá trong ao. Nếu có hiện tượng bất thường cần phải có biện pháp xử lý kịp thời. Đảm bảo mật độ nuôi hợp lý, nguồn nước sạch, có dòng chảy, không bị ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, tránh nguồn nước thải sinh hoạt gia đình để phòng chống bệnh cho cá. Không được động nước, đánh bắt cá trong mùa đông nếu không cần thiết nhất là với các loài cá chịu rét kém như cá rô phi, cá Chim trắng.

  1. Nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa

– Nâng cao sức khỏe đàn cá trong lồng bằng cách có chế độ chăm sóc đặc biệt như bổ sung vitamin B1, C vào khẩu phần ăn với lượng 3-5g/kg thức ăn để các loài thuỷ sản có đủ sức đề kháng, cũng như khả năng chịu rét tốt. Thông thường vào mùa đông, chỉ cho cá ăn trong khoảng từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều hoặc điều chỉnh theo nhiệt độ. Thức ăn để vào sàng và theo dõi thường xuyên để định số lượng cho phù hợp. Cho ăn lượng vừa đủ để tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Những ngày nhiệt độ xuống thấp có thể giảm khẩu phần thức ăn hoặc ngừng hẳn. Những ngày nắng ấm cho tăng khẩu phần thức ăn.

– Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ và thông thoáng để thoát nước được nhanh, kiểm tra, tu sửa lại những nơi xung yếu bảo đảm lồng vững chắc, di chuyển lồng về nơi neo giữ an toàn. Nếu không di chuyển được cần hạ thấp lồng bè xuống để giảm bớt tác động của dòng chảy làm hư hỏng lồng, đối với lồng lưới cần phải đậy nắp lồng để tránh cá thất thoát.

– Đảm bảo độ sâu của lồng nuôi luôn ở mức 2-2.5m. Di chuyển các lồng nuôi vào các vị trí kín gió. Dùng vôi bột cho vào túi vải treo ở các góc lồng nuôi để diệt trùng và nấm gây bệnh cho đối tượng thủy sản.

Người nuôi nên thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khoẻ thuỷ sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trần Anh Tuấn – Trại Nghiên cứu và sản xuất giống nông nghiêp Bát Xát