Sản xuất và tiêu thụ giống lúa “Made in Lào Cai”: Những điều chưa kể

Tôi từng thấy sự cần mẫn, kiên trì của những cán bộ khi kiểm tra, nghiên cứu từng bộ phận nhỏ của cây lúa trên cánh đồng giữa trưa nắng chang chang. Tôi cũng gặp họ cặm cụi, tỉ mỉ phân tích, tính toán trong phòng thí nghiệm với chất chồng những mẫu phẩm lúa giống, hóa chất, ống nghiệm, kính hiển vi và máy móc.

Rồi đôi khi họ “hóa thân” thành những nông dân thực thụ, đội nón lá đi đuổi chim, bẫy chuột, bắt ốc bươu vàng, nhổ cỏ trên các thửa ruộng lúa giống. Và còn nhiều điều chưa kể về công việc của các cán bộ mà nông dân vẫn thường gọi là “kỹ sư xắn quần ngang đầu gối”.

Những “bù nhìn sống”

Có mặt tại cánh đồng lúa giống của Trung tâm Giống Nông – lâm nghiệp Lào Cai ở xã Bản Qua (Bát Xát) vào một ngày đầu tháng 4/2016, điều làm tôi chú ý nhất là hình ảnh 2 cán bộ của Trại Sản xuất giống lúa hóa trang thành bù nhìn với nón lá rách treo những tua rua vải sặc sỡ, quần áo bươm nát, trên tay cầm gậy dài buộc tua giấy liên tục quơ ngang dọc để đuổi lũ chim. Lũ chim đói vốn rất tinh ranh, khi bị đuổi chúng vờ lảng ra xa, nhưng chỉ đợi các “bù nhìn sống” sơ hở là hàng nghìn con chim tạo thành một đám mây đen ào đến, lướt nhanh trên các thảm lúa kỳ ngậm sữa.

Tôi đem thắc mắc này trao đổi với bà Đỗ Thị Bắc, Trưởng Phòng Kỹ thuật của Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Lào Cai thì được biết, phải khá dày công, các cán bộ của Trung tâm mới nắm được “chiêu thức” phá hoại của loài chim ri. Sự điêu luyện, nhanh gọn và chính xác của lũ chim ri là tuyệt đối, chỉ trong tích tắc chúng vẫn có thể dùng mỏ kẹp chặt hạt lúa và hút lấy dòng sữa chảy ra. “Nếu chỉ vài lần sơ xảy như vậy thì hàng trăm m2 lúa giống coi như bỏ đi với lũ chim tinh ranh này”, bà Bắc tâm sự. Chim ri hoạt động mạnh từ mờ sáng, nên sau khi lúa trỗ bông, cán bộ của Trại Sản xuất giống lúa thường phải thức trước 5 giờ và thay nhau túc trực trên đồng cho đến khi mặt trời tắt hẳn. Không chỉ đối phó với lũ chim ri, mà cán bộ chuyên ngành giống lúa còn luôn phải tìm cách phòng, chống chuột, sâu bệnh phá hoại trên lúa. “Không phải lúa giống của Trung tâm thơm, ngon hấp dẫn chim chóc, sâu bọ đâu nhé”, bà Bắc tươi cười và lý giải, các tràn ruộng lúa giống luôn có thời vụ trước lúa thông thường nhiều ngày để không bị lai tạo, thụ phấn chéo ngoài ý muốn. Điều này khiến cho lũ chim, chuột đói lâu ngày từ các nơi khác dồn về phá hoại.

700 tấn thóc giống và hơn 20 tỉnh, thành phố

Dẫu biết “hữu xạ tự nhiên hương” nhưng trong thời kỳ nền kinh tế có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu thiếu các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác, mở rộng thị trường thì sản phẩm dù có chất lượng cao song vẫn khó mở rộng địa bàn tiêu thụ. Ông Nguyễn Thiện Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Lào Cai đã kể với tôi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần đi khai thác thị trường. Đó là vào năm 2008, khi ông và các cộng sự tới huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để chuẩn bị xây dựng mô hình trình diễn giống lúa lai 2 dòng LC270 tại đây. Hầu hết cán bộ lãnh đạo địa phương kinh ngạc và không tin một tỉnh miền núi như Lào Cai lại có thể sản xuất được lúa giống và cạnh tranh với các sản phẩm chất lượng trên thị trường. Nhưng bằng sự kiên trì thuyết phục, cuối cùng cán bộ thị trường của Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Lào Cai đã thuyết phục thành công việc thực hiện mô hình trình diễn giống lúa lai 2 dòng LC270 tại huyện Thanh Ba. Đến nay, thị phần của giống lúa “Made in Lào Cai” đã chiếm một phần rất đáng kể trên phạm vi toàn tỉnh Phú Thọ, trở thành “người bạn” của nông dân địa phương. Những thành công tại thị trường tỉnh Phú Thọ chưa “thấm” vào đâu so với những nỗ lực của cán bộ thị trường Trung tâm trong việc tiếp thị sản phẩm tại vựa lúa các tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đây là khu vực có mức tiêu thụ sản lượng giống lúa lớn nhất miền Bắc, thị trường sôi động và có tính cạnh tranh cao, bởi hầu hết các “đại gia” sản xuất và phân phối giống lúa của cả nước đang có mặt tại đây từ lâu. Tính chuyên nghiệp của các “đại gia” cũng là điều đáng nói, nhất là phương pháp tiếp cận thị trường với chế độ hậu mãi, hỗ trợ, tư vấn khách hàng rất tốt. “Mới đầu nhìn cách làm của các doanh nghiệp lớn, các anh em cũng lo lắng lắm, nhưng vẫn cố gắng, bởi niềm tin vào chất lượng sản phẩm của mình và rồi thành công đã đến”, Phó Giám đốc Nguyễn Thiện Dũng tâm sự. Theo ông Dũng, đến nay sản phẩm của Trung tâm, chủ lực là giống lúa LC270, LC212, LC25 đã trở nên rất quen thuộc với bà con các vựa lúa tại khu vực Bắc Trung Bộ nhờ các mô hình đầu bờ liên tục tăng lên.

Từ một tỉnh khá mờ nhạt trên bản đồ sản xuất nông nghiệp, nhất là ngành sản xuất giống cây trồng, đến nay các sản phẩm giống lúa của Lào Cai đã được phổ biến tại hơn 20 tỉnh, thành phố. Các vựa lúa lớn tại Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định… đang tiêu thụ một phần đáng kể giống lúa “Made in Lào Cai”. Riêng sản xuất nội tỉnh, giống lúa lai của Trung tâm đã chiếm tới 60% thị phần. Giống lúa “Made in Lào Cai” đã mở rộng thị phần nhanh hơn trong mấy năm gần đây khi sản phẩm liên tục đạt các danh hiệu cao quý như: Bông lúa vàng, danh hiệu tôn vinh các đơn vị vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam, các cuộc thi về sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Lào Cai…  Hiện, mỗi năm Trung tâm sản xuất được 600 – 700 tấn giống lúa lai thông qua việc phối hợp sản xuất trực tiếp tại 5 tỉnh, song theo đánh giá việc này mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu các đơn hàng. Từ điểm xuất phát “không tên tuổi” thì đến nay Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Lào Cai đã trở thành đơn vị mạnh nhất ở khu vực miền Bắc, trong đó nổi bật nhất là hoạt động sản xuất giống lúa.

Hiện, xu thế sản xuất lúa đang có sự chuyển dịch mạnh từ giống lúa lai sang các giống thuần nhằm phục vụ cho các mục tiêu sản xuất hàng hóa. Nắm được nhu cầu này, Trung tâm đang tập trung nhiều hơn nguồn lực cho việc sản xuất trên quy mô lớn các giống lúa thuần. Điều đó thể hiện sự chủ động, linh hoạt và quyết tâm cao của Trung tâm Giống Nông – Lâm nghiệp Lào Cai trong tình hình mới.