Việc dùng thuốc trong nuôi trồng thuỷ sản có thể mang nhiều lợi ích khác nhau như làm tăng hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tỷ lệ sống sót của đàn ấu trùng trong các trại sản xuất giống, giảm stress khi vận chuyển, tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tác dụng của các loại thuốc khác nhau đã và đang dùng trong nuôi trồng thuỷ sản làm giảm đáng kể rủi ro bệnh tật.
Nhưng việc dùng thuốc quá lạm dụng trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung và trong nuôi công nghiệp đã, đang phổ biến ở Việt Nam và các nước trong khu vực, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, phá huỷ môi trường sinh thái, làm ảnh hưởng đến chất lượng các đàn giống, tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc…Những ảnh hưởng này càng nặng nề khi những người dân tham gia nuôi trồng thuỷ sản không có ý thức và hiểu biết ít về hiệu quả và tác dụng của từng loại thuốc mà họ dùng hàng ngày.
Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng thuốc, hóa chất cần tuân thủ các yếu tố sau đây: Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh; Chọn loại thuốc, hóa chất dễ sử dụng, đơn giản; Sử dụng đúng liều lượng của nhà sản xuất khuyến cáo; Nên sử dụng thuốc, hóa chất vào những thời điểm tôm, cá ít bị sốc nhất trong ngày, thông thường là vào buổi sáng, khi nhiệt độ thấp, tuy nhiên cần lưu ý về hàm lượng oxy thấp lúc sáng sớm, thích hợp nhất là vào khoảng từ 7 – 8 giờ; Nên hạ thấp mức nước trước khi điều trị; Sau khi dùng hóa chất nên cải thiện môi trường ao nuôi, cần cấp thêm nước mới hoặc thay nước, có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học để bổ sung nguồn lợi khuẩn, nhằm làm ổn định môi trường. Đặc biệt cần tuân thủ thời gian cách ly trước khi xuất bán để tránh tình trạng tồn dư thuốc trong thực phẩm.
Trong nuôi trồng thuỷ sản có rất nhiều phương pháp dùng thuốc khác nhau không nhất quán (tắm cho động vật thuỷ sản, phun thuốc xuống ao, treo túi thuốc, bôi trực tiếp lên cơ thể động vật thuỷ sản, trộn thuốc vào thức ăn, tiêm thuốc cho động vật thuỷ sản). Mỗi một cách dùng lại có ưu và nhược điểm khác nhau. Mỗi loại thuốc cũng có thể có cách dùng khác nhau hoặc loại thuốc đó có nhiều cách dùng. Chính vì vậy, dựa vào điều kiện của từng trại, ao nuôi, xác định từng loại bệnh mà áp dụng phương pháp phù hợp. Khi chọn được phương pháp cũng cần quan tâm đến giải pháp để giúp giảm tối đa nhược điểm của phương pháp đó mang lại.
Nuôi thâm canh dùng thuốc là điều không thể tránh khỏi, nhưng để dùng có hiệu quả giảm đi các tác động phụ vốn có của thuốc tới môi trường, sức khoẻ của con người và vật nuôi, cơ quan quản lý nhà nước về thuốc thú y cần tăng cường công tác quản lý vùng nuôi, cơ sở nuôi; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản áp dụng và thực hiện các quy trình nuôi an toàn dịch bệnh; không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc y tế, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, cần bồi dưỡng nâng cao ý thức và sự hiểu biết cho người nuôi trồng về tác dụng và hiệu quả hai mặt của tất cả các chủng loại thuốc dùng trong nuôi trồng thuỷ sản.
Nguyễn Thị Thu Bình – Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai