Trồng cây Lê VH6 mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cây Lê VH6 được di thực từ Đài Loan – Trung Quốc về trồng khảo nghiệm đầu tiên tại Trại NC& Sx rau quả Bắc Hà từ tháng 8/2002, sau 10 năm theo dõi đánh giá với những kết quả rất tốt về sinh trưởng, năng suất, chất lượng và tính thích nghi cao đối với điều kiện sinh thái của huyện Bắc Hà và các huyện vùng cao của Lào Cai, cũng như về hiệu quả kinh tế cao, năm 2012 Bộ Nông nghiệp & PTNT đã công nhận đặc cách là giống cây trồng mới của tỉnh Lào Cai.

Từ năm 2012 đến nay, UBND tỉnh Lào Cai đã đầu tư hỗ trợ sản xuất để mở rộng diện tích Lê VH6 thông qua các dự án “Phát triển sản xuất cây ăn quả ôn đới chất lượng cao tỉnh Lào Cai giai đoạn 2012 – 2015” do Trung tâm Giống nông nghiệp làm chủ đầu tư, quy mô 250ha tại các huyện Bắc Hà, Bát Xát, SaPa, TP Lào Cai; dự án DANIDA; thông qua các nguồn vốn 135, NQ 30a… đến nay diện tích trồng cây Lê VH6 toàn tỉnh Lào Cai đạt trên 500ha.

Vườn giống gốc Lê VH6 trồng tại Bắc Hà-tỉnh Lào Cai

Lê VH6 là loại CAQ có nhiều ưu điểm nổi bật như sinh trưởng khỏe, dễ trồng, dễ chăm sóc, cây sau trồng 4,5 năm là cho thu hoạch, quả lê chín sớm vào cuối tháng 6, chín trước các giống lê địa phương và lê Trung Quốc nên có ưu thế về thị trường là không có đối thủ cạnh tranh. Lê VH6 ăn ngon, ngọt mát và hàm lượng tanin trong quả thấp nên lê không chát, không bị thâm khi bổ ra. Ý thức được việc sản xuất Lê VH6 sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân trong các vùng trồng lê đã chủ động đầu tư thâm canh cao như tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân chuồng và phân chất lượng cao, đầu tư làm giàn để vin cành tạo tán, sử dụng túi bọc quả tránh côn trùng gây hại… điển hình ở huyện Bắc Hà có các hộ: ông Vàng Văn Niên – Thị trấn Bắc Hà, với diện tích 2000m2 trồng năm 2011, thu hoạch khoảng 45 triệu/năm; bà Tráng Thị Lan – xã Na Hối, diện tích 1.800m2, trồng từ năm 2013 đến năm 2018 thu hoạch trên 30triệu đồng; ông Vàng Văn Thỉ – xã Tà Chải, diện tích trên 2000m2, trồng năm 2010 và 2013, năm 2018 thu hoạch trên 30 triệu đồng…

Năm 2018 thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất cây ăn quả ôn đới nói chung cây lê VH6 nói riêng, tháng 2 khí hậu ấm dần lên và ẩm độ không khí không quá cao (55-65%), đây là điều kiện lý tưởng cho cây lê ra hoa, đậu quả. Năm 2018 lê VH6 rất sai quả, sai hơn các năm trước khoảng 20%, trung bình 1 cây lê 8 tuổi tại Trại Bắc Hà đậu khoảng 300 quả, Trại phải tỉa bớt 50% số quả/1 cây. Trong tháng 3,4 các trận mưa rào xuất hiện sớm giúp cho cây lê sinh trưởng thuận lợi do vậy tỷ lệ quả rụng ít, quả phát triển tốt. Năm 2018 diện tích Lê cho thu hoạch tăng dần, sản lượng Lê tăng lên đồng thời để tìm được thị trường lâu dài cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm quả Lê, tỉnh ngành và các địa phương đã xúc tiến việc quản lý sản xuất sản phẩm an toàn, dán tem truy xuất nguồn gốc cho quả lê (Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát, Si Ma Cai đã thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc); huyện Bát Xát tổ chức Hội nghị trải nghiệm hái Lê VH6 tại xã Y Tý; Trung tâm giống Nông nghiệp đã in túi đựng quả bằng bìa caton; Trại NC & SX rau quả Bắc Hà đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho siêu thị Vinmax, chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm – Hà Nội và nhiều siêu thị mini… Năm 2018 lê VH6 được mùa, được giá, quả lê sau khi thu hoạch được phân loại theo kích thước quả, loại quả có trọng lượng 200 – 300gr có giá bán từ 45 – 50 ngàn đồng/kg, các siêu thị bán lẻ với giá 65 – 70 ngàn đồng/kg. Đánh giá chung về năng suất lê năm 2018 đạt trung bình 20kg/cây 8- 10 tuổi (8 tấn/ha), giá bán bình quân 35 ngàn đồng/kg mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng/ha.

(Ảnh thu hoạch Lê VH6)

Tuy nhiên với tập quán sản xuất lạc hậu của phần đông người dân vùng cao, chậm tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, còn có tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước nên cũng có không ít diện tích Lê được hỗ trợ sản xuất nhưng chưa mang lại hiệu quả, có nhiều vườn trồng xong rồi bỏ đấy, không được chăm sóc, bảo vệ nên cỏ dại lấn át, gia súc phá hại… một số vườn không được vin cành tạo tán để cây mọc tự nhiên nên năng suất thấp, cây có quả cũng khó thu hoạch… Do vậy để sản xuất lê VH6 mang lại hiệu quả cao cần phải có sự tiếp tục vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động sao cho các hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao thay đổi tư duy sản xuất, tiệp cận và áp dụng được các tiến bộ khoa học tiên tiến để chủ động hơn trong việc phát triển sản xuất cây Lê VH6, xứng đáng với tên gọi là cây xóa đói giảm nghèo của các hộ dân vùng cao trong tỉnh Lào Cai cũng như của một số tỉnh miền núi phía Bắc.