Ứng dụng phủ bạt địa chất cho cây ăn quả để chống cỏ dại và rửa trôi, xói mòn đất trên địa bàn huyện Sa Pa

         Các giống cây ăn quả hiện đang được trồng với diện tích khá lớn tại Sa Pa nhưng lại đang gặp phải tình trạng cỏ dại và rửa trôi làm xói mòn đất gây ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng của cây vì bị hút hết chất dinh dưỡng. Nhiều hộ đã gần như mất trắng do cây không thể phát triển và cho ra trái.

        Ngày nay, có nhiều yêu tố ảnh hưởng đến việc xói mòn đất và ô nhiễm cỏ dại như yếu tố vật lý như nước và gió hoặc các yếu tố liên quan đến hoạt động trồng trọt. Mặc dù xói mòn là một quá trình tự nhiên, nhưng các hoạt động của con người đã làm gia tăng tốc độ xói mòn lên 10 – 40 lần và mỗi địa hình khác nhau thì thường có độ xói mòn và độ ô nhiễm cỏ dại khác nhau.

Hình: Dùng bạt phủ khi trồng cây ăn quả chống sói mòn và cỏ dại tại
Trại nghiên cứu và sản xuất cây ôn đới Sa Pa

       Bắt nguồn từ thực tiễn đặt ra Trại nghiên cứu và sản xuất giống cây ôn đới Sa Pa đã tìm hiểu và đưa ra giải pháp sử dụng bạt địa chất trong trồng cây ăn quả.

     Bạt địa chất dành cho cây ăn quả gọi theo tên tiếng Anh là Agricultural Plastic Mulch Films. Đây là loại Bạt được làm từ nhựa PE nguyên sinh (Polyetylen) hoặc LDPE (Low-Density Polyethylene) kết hợp với chất tạo màu, chất chống oxy hóa và chống tia UV.

       Bạt địa chất dành cho cây ăn quả có những ưu điểm nổi bật sau: Thích hợp để lựa chọn làm Bạt phủ đất trồng có quy mô rộng; Có thể sử dụng cho các loại cây ngắn hạn hoặc rau, củ, quả theo mùa; Phù hợp với nông dân có nhu cầu chỉ cần dùng 1 vụ mùa; Chi phí hợp lý; Dễ sử dụng; Có độ bền cao từ 4-5 năm.

        Công dụng tối ưu của bạt địa chất dành cho cây ăn quả:

       Hạn chế cỏ dại: Bạt phủ chống cỏ dại có khả năng cản trở ánh sáng mặt trời và làm gián đoạn quá trình quang hợp cây cỏ nên cỏ dễ chết. Điều này giúp tiết kiệm công sức làm cỏ và hạn chế rất nhiều chi phí phun thuốc làm ô nhiễm đất trong quá trình canh tác.

       Hạn chế côn trùng gây hại: Bạt phủ được thiết kế màu xám bạc ở phía dưới giúp phản chiếu ánh sáng mặt trời, xua đuổi các loại côn trùng gây hại cho cây trồng hiệu quả, từ đó giúp cây phát triển tốt hơn.

       Hạn chế mầm bệnh lây từ đất lên cây trồng : Cây trồng rất dễ chết nếu nhiễm bệnh. Do đó, bạt phủ có tác dụng cách ly mầm bệnh từ đất lên cây trồng, từ đó chúng không có cơ hội phát triển và gây bệnh.

       Giữ ẩm cho đất: Nhờ bạt địa chất dành cho cây ăn quả ánh sáng không thể chiếu trực tiếp vào đất. Qua đó, chống được sự bốc hơi giúp cây lớn nhanh. Loại màng này thích hợp để lựa chọn để canh tác rau màu ở những khu vực nắng nóng nhiều. 

       Giữ dưỡng chất và phân bón cho cây trồng : Thông qua lớp bạt phủ nông nghiệp, các loại phân bón, dưỡng chất bên trong đất sẽ được giữ nguyên. 

       Ổn định cấu trúc đất: Vào mùa mưa, đặc biệt là khi trời mưa to, đất dễ bị rửa trôi, xói mòn và phá vỡ cấu trúc đất. Do đó, việc sử dụng bạt địa chất dành cho cây ăn quả cho cây trồng giúp giữ nguyên cấu trúc đất.

      Tránh bị chuột phá : Cây cối, rau màu rất dễ bị chuột phá làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Thay vì sử dụng các giải pháp như bẫy chuột, sử dụng thuốc diệt chuột… nhiều người chọn dùng bạt phủ để hạn chế chuột tấn công.

        Nâng cao năng suất cây trồng: Nhờ bạt phủ có thể hạn chế được côn trùng gây hại, duy trì nhiệt độ ổn định cho đất và dinh dưỡng có trong đất tạo điều kiện cho cây lớn nhanh, ra trái đều, đẹp, bán được giá cao hơn.

         Trại nghiên cứu và sản xuất cây ăn quả ôn đới Sa Pa đã ứng dụng bạt địa chất dành cho cây ăn quả cho tất cả các giống cây ăn quả tại Trại. Khi sử dụng bạt địa chất dành cho cây ăn quả, chú ý làm cho đất tơi, xốp, mịn và lên luống đất thật bằng phẳng. Đất trồng cần được cày bừa, đập kỹ càng và dùng vôi bột khoảng 15kg/sào Bắc bộ rắc lên để xử lý mầm bệnh tiềm ẩn trong đất. Đất trồng cần được san bằng, tránh cao thấp, gồ ghề để thuận tiện trải màng. Lưu ý rằng các luống chia với độ rộng phù hợp với kích thước bạt phủ. Lượng phân bón lót trước khi gieo trồng nên bón nhiều hơn. Để sau khi che màng không cần tưới cây nhiều lần, nên tưới vừa đủ ẩm cho đất. Cần sử dụng đúng chiều của bạt địa chất dành cho cây ăn quả, cụ thể khi căng màng mặt màu xám được lật lên trên và mặt màu đen nằm ở chiều ngược lại. Yêu cầu mặt màng che phải tiếp xúc đều với đất giúp nhiệt tăng đều và phủ theo chiều dài mặt luống, trải đến đâu thì ém chặt hai bên mép luống để tránh gió bay và dùng cuốc xới đất dưới rãnh. Cuối cùng, dùng ống nhựa có đường kính 8 – 10cm, cắt miệng hình răng cưa đục lỗ màng che trên luống. Tùy theo mật độ mỗi loại cây trồng mà đục lỗ theo khoảng cách phù hợp. Sau đó, trồng cây vào lỗ đã đục và chăm sóc như bình thường. Lưu ý nhỏ là sau mỗi vụ gieo trồng, cần thu gom màng che phủ và xử lý hợp lý, tránh làm ô nhiễm môi trường bởi chất liệu nhựa khó phân hủy ở điều kiện tự nhiên.

        Trước những điều kiện bất lợi trên thì việc sử dụng bạt địa chất dành cho cây ăn quả đang là xu thế được ưu tiên và đem lại lợi ích rất lớn khi sản xuất. Vì vậy để đạt được năng suất cao trong các vụ mùa, người dân cần sử dụng thêm phương pháp mới này để bảo vệ cây trồng khỏi những yếu tố bất lợi của môi trường, sâu bệnh và có một vụ mùa bội thu.

Ks. Đoàn Thị Thảo Nguyên – Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai

 

Ks. Đoàn Thị Thảo Nguyên

Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai