ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LĨNH VỰC THỦY SẢN

Đề tài Nghiên cứu xây dựng qui trình nuôi cá chép thương phẩm bằng công nghệ vi sinh năm 2019 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2118/QĐ-UBND ngày 16/7/2019 thời gian thực hiện từ tháng 5/2019 đến tháng 02/2020.

Ngay sau khi được Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ tỉnh cho phép thực hiện Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Lào Cai, Chủ nhiệm đề tài đã tiến hành bố trí các thí nghiệm để đảm bảo tiến độ. Con giống khi thả có kích cỡ >5cm, mật độ thả 01 con/m2, thức ăn sử dụng gồm hạt đậu tương và thức ăn công nghiệp.

Thí nghiệm đã được bố trí làm 02 công thức gồm công thức thí nghiệm sử dụng men vi sinh điều chỉnh nguồn nước và ngâm ủ thức ăn đậu tương và lô đối chứng nuôi theo phương pháp thông thường người dân đang áp dụng.

Thí nghiệm được triển khai từ tháng 5 năm 2019 đến nay đã được 7 tháng. Trung tâm tiến hành đánh giá tiến độ đề tài so với mục tiêu đặt ra đối với công thức sử dụng men vi sinh cá đạt trọng lượng trung bình 1,8kg/con; công thức đối chứng đạt 1,2kg/con. Kết quả đề tài đạt được vượt xa so với mục tiêu ban đầu đề ra là nuôi trong thời gian 10 tháng cá đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con.

Giống cá Chép thương phẩm bằng công nghệ vi sinh

Khi sử dụng men vi sinh đem lại hiệu quả rất lớn gồm tận dụng thức ăn là nguồn sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương (hạt đậu tương) và men vi sinh làm chín hạt đậu tương không cần phải chế biến bằng nhiệt nên giảm chi phí, nhân công. Bên cạnh đó chi phí giá thành thức ăn rẻ hơn nhiều so với thức ăn công nghiệp hiện nay đang được nhân dân nuôi phổ biến.

Đây là công nghệ nuôi hoàn toàn mới, sau khi kết thúc đề tài qui trình công nghệ nuôi cá chép thương phẩm bằng công nghệ vi sinh sẽ được chuyển giao cho nhân dân nuôi trồng thủy sản trong tỉnh áp dụng. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhân dân góp phần xây dựng nông thôn mới.

 

Nguyễn Tiến Dũng

Chủ nhiệm đề tài