Hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản trong mùa hè

          Hiện nay đang là cao điểm những tháng nắng nóng của mùa hè cũng chính là những   yếu tố bất lợi cho người dân nuôi trồng thủy sản như thiếu oxy đột ngột, cá phát sinh dịch bệnh, cách chăm sóc quản lý ao nuôi không hợp lý… sẽ dẫn tới nhiều thiệt hại về kinh tế cho cả chu kỳ nuôi. Để tăng sức đề kháng và giảm nguy cơ phát sinh bệnh cho thủy sản nuôi, nhất là trong mùa hè nắng nóng hay xuất hiện những cơn mưa bất chợt, người nuôi thủy sản cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý môi trường nuôi cho phù hợp với nhu cầu sinh thái của vật nuôi và ổn định trong suốt vụ nuôi và cách nhận biết một số bệnh trên cá, cụ thể như sau:

            I. Quản lý chất lượng nước ao nuôi

           1. Chống ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao nuôi

Quá trình tích tụ chất hữu cơ trong ao lâu ngày do chất thải từ cá, các nguồn khác từ bên ngoài vào là nguy cơ lớn xảy ra tình trạng cá bị nổi đầu sau những trận mưa rào mùa hè. Nguyên nhân chính là hàm lượng oxy trong nước bị giảm đột ngột do các khí độc phân hủy từ các chất hữu cơ sinh ra.

– Xác định chính xác khẩu phần thức ăn và cho ăn nhiều bữa trong ngày là biện pháp cần thiết để giảm chất thải hữu cơ trong ao nuôi thông qua giảm lượng thức ăn dư thừa và thức ăn bị phân giải ngoài môi trường nước ao.

          – Thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao nuôi một cách từ từ nhưng lại rất có hiệu quả. Mặt khác, cần hạn chế dùng kháng sinh và hóa dược, bởi nếu dùng thường xuyên, thuốc có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao, giảm quá trình chuyển hóa lượng chất hữu cơ lơ lửng và lắng tụ ở đáy ao.

          – Chống xói lở bờ ao và chống nước mưa có thể kéo theo các chất thải hữu cơ vào trong ao cũng là biện pháp cần thiết.

          – Áp dụng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp có thể giúp người nuôi quản lý môi trường thích hợp và bền vững.

            2.Quản lý độ trong

           Độ trong của nước nuôi thủy sản chủ yếu phụ thuộc vào mật độ của sinh vật phù du có trong ao. Khi độ trong quá thấp, thường do tảo phù du phát triển quá dày, làm các chỉ số pH, DO biến động rất lớn gây sốc cho thủy sản nuôi trong ao. Ngược lại khi độ trong cao, hàm lượng ôxy thường thấp và tảo đáy có nguy cơ bùng phát mạnh, cạnh tranh không gian hoạt động và ôxy về ban đêm, gây sốc cho  cá. Độ trong của nước ao nuôi tốt nhất là 30 – 40cm. Để có độ trong thích hợp và ổn định, người nuôi cần:

          – Dùng phân hữu cơ, vô cơ, vi sinh để gây màu nước trước khi thả nuôi.

          – Định kỳ dùng vôi CaCO3 hay CaMg(CO3)2 để ổn định pH và độ cứng trong ao nuôi thủy sản nước mặn nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của tảo phù du trong suốt vụ nuôi.

          – Dùng chế phẩm vi sinh (EM) cung cấp thường xuyên và đầy đủ muối dinh dưỡng và CO2 cho tảo phát triển ổn định.

          – Khi độ trong quá thấp do tảo phù du phát triển mạnh, cần thay một phần nước hoặc dùng thuốc diệt tảo theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

           3. Quản lý pH

          – PH nước tăng cao hay xuống thấp không những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thuỷ sản nuôi mà còn gây chết khu hệ thủy sinh trong ao, gây tàn tảo và tác động xấu tới môi trường, sức khỏe thủy sản. pH nước ao còn ảnh hưởng đến tính độc của các loại khí NH3 và H2S tới đời sống của thủy sản nuôi.

          – Trong các ao nuôi khi pH cao vượt giới hạn cho phép, có thể dùng đường cát (Sucrose) rắc xuống ao cũng có thể làm giảm pH do hoạt động lên men đường của các vi sinh vật. Khi khẩn cấp, có thể dùng một số loại axit hữu cơ phun xuống ao để giảm pH khi cần thiết.

           4. Quản lý lượng khí Ammoniac (NH3)

          Sự tồn tại của khí NH3 trong hệ thống nuôi trồng thủy sản hoàn toàn bất lợi cho đời sống của vật nuôi. Có thể ức chế quá trình đào thải NH3 và ứ đọng NH3 trong cơ thể dẫn đến đầu độc sinh vật nuôi. Trường hợp nặng có thể gây chết, nhẹ có thể gây sốc, làm tăng lượng NH3 trong máu, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tuần hoàn, hô hấp, gan tụy và thần kinh. Để quản lý hàm lượng NH3 trong ao, tránh những ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe của thủy sản nuôi, cần thực hiện một số biện pháp sau:

          – Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh trong các ao nuôi thâm canh, chu kỳ nuôi dài để giảm hàm lượng nitơ dư thừa trong nước ao.

          – Ổn định pH nước ao trong giới hạn 7,5 – 8,5  để kìm hãm sự chuyển đổi giữa các dạng khác nhau của nitơ.

          – Có thể định kỳ dùng một số thuốc sát trùng có tính ôxy hóa cao để khử một lượng khí độc sản sinh ra trong ao nuôi (Iodine, BKC, H2O2 …)

          Khi cần thiết và điều kiện cho phép, cần thay nhanh nước ao bằng nguồn nước mới để giảm khẩn cấp hàm lượng NH3 trong ao nuôi.

          5. Quản lý khí Sulfua hydro (H2S)

          Để tránh hiện tượng cá bị sốc hay chết do H2S, trong nuôi trồng thủy sản có một số biện pháp sau:

          – Tăng cường hoạt động đảo nước, sục khí để H2S có thể thoát ra ngoài.

         – Khi có dấu hiệu  cá bị ngộ độc do H2S, có thể thay nước khẩn cấp để cứu đàn vật nuôi, sau đó tìm cách khử nguồn gốc sinh ra loại khí độc này.

          II. Một số bệnh thường gặp trên cá chép mùa nắng nóng

          1. Bệnh thối mang trên cá

          1.1.Dấu hiệu bệnh lý

          – Cá bệnh bơi tách đàn, chậm chạp trên mặt nước, bắt mồi giảm hoặc không bắt mồi.

          – Da cá chuyển dần sang mầu đen, mang rách nát, thối rữa và dính đầy bùn. Bề mặt xương nắp mang xuất huyết, ăn mòn có hình dạng không bình thường. Các tơ mang thối nát, có dính bùn.

        – Bệnh thối mang thường kết hợp bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn Aeromonas spp di động và Pseudomonas spp..

          1.2. Tác nhân gây bệnh

          – Bệnh gây ra do vi khuẩn dạng sợi Myxococcus piscicola. Bệnh thối mang hay còn gọi là bệnh mang đóng bùn. Loại vi khuẩn này có men Protease để phân giải tế bào, do đó các mô tế bào nhanh chóng thối rữa.

          1.3. Phân bố và lan truyền bệnh

          – Bệnh thường gặp ở nhiều loài cá nước ngọt: cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép, mè hoa.

          – Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè, mùa thu, thích hợp ở nhiệt độ nước 25-35 độC. Bệnh hay xảy ra ở cá nuôi lồng, bè mật độ cao, nước lưu thông kém, ở cá nuôi ao có nhiều mùn bã hữu cơ.

          1.4. Phòng và trị bệnh

          – Phòng bệnh:

          Cần làm tốt khâu tẩy dọn ao trước vụ nuôi, quản lý tốt môi trường để chống ô nhiễm hữu cơ thông qua việc quản lý thức ăn, phân hữu cơ cho xuống ao. Có thể treo các túi thuốc sát trùng ở các góc bè, đầu dòng chảy để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Trước mùa dịch bệnh hoặc khi thời tiết chuyển giao mùa nên trộn vitamin C 30mg/1 kg trọng lượng cá/ngày.

          – Trị bệnh:

          Kết hợp giữa trộn kháng sinh vào thức ăn cho cá trong 5-7 ngày để diệt mầm bệnh bên trong và phun Chlorin xuống ao với nồng độ 1ppm để diệt mầm bệnh ngoài môi trường nuôi.

          + Dùng Oxytetracycine 20-40mg/kg cá/ngày.

          + Dùng Rifamycin 20-30mg/kg cá/ngày.

          + Dùng Erythromycine 4g/100kg cá/ngày.

          Chú ý từ ngày thứ hai trở đi liều dùng giảm 1/2 so với liều dùng của ngày đầu.

          2. Bệnh xuất huyết

          2.1. Dấu hiệu bệnh ở cá chép

          – Dấu hiệu bên ngoài: Vây, đuôi bị cụt dần, vảy tróc, mình bầm tím, tơ mang bị sơ rách gọi là xuất huyết ngoài.

          – Dấu hiệu bên trong: ruột chướng hơi xuất hiện các bong bóng khí bên trong ruột, gan và mật sưng lên. Khi cá bị bệnh nặng thường nội tạng nhũn ra gọi là xuất huyết trong.

          2.2. Biện pháp phòng bệnh ở cá chép

          – Vào những ngày thời tiết mưa phùn mùa xuân cần phải tạt vôi với liều lượng 1 – 2 kg vôi bột cho 100 m nước ao nuôi.

          – Định kỳ 15 ngày dùng các chế phẩm sinh học như Biobacter, Biopower tạt 1 kg cho 8.000 – 10.000 m3 nước ao nuôi sẽ xử lý nước đục, nước nhờn, váng nhớt, làm sạch nước, ổn định pH, hấp thụ độc tính, khử mùi hôi thối, phân hủy nhanh xác động thực vật, thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ.

          – Bổ sung thêm vitamin C từ 200 – 300 gr cho 100 kg thức ăn, thời gian cho ăn 2 – 3 ngày liên tiếp.

          – Nuôi ghép với mật độ thưa, bình quân một sào ao bắc bộ thả 40 – 50 con cá chép.

          2.3. Biện pháp trị bệnh ở cá chép

          – Xử lý môi trường nước ao bằng BioIodine với liều lượng 1 lít cho 5.000 m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1 kg cho 3000 m3 nước ao.

          – Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn như Amoxicillin, Sunfamid, Biogan 100 gr cho 1 – 2 tấn cá và cho ăn 5 – 7 ngày liên tiếp. Lưu ý ngày thứ 2 trở đi liều lượng giảm đi một nửa so với ngày thứ nhất.

           3. Bệnh virut mùa xuân trên cá chép

          3.1. Dấu hiệu bệnh ở cá chép

          – Bên ngoài da sậm màu, mắt lồi, mang nhợt nhạt có hiện tượng xuất huyết điểm ở da và mang.

          – Bên trong: Xoang bụng có dịch, ruột sưng to đôi khi có dịch, tụy bị sưng và có hiện tượng xuất huyết ở bong bóng. Trong đó xuất huyết ở bong bóng được xem là dấu hiệu đặc trưng ở bệnh này.

          3.2. Nguyên nhân

          Bệnh xuất huyết (đốm đỏ) có tác nhân gây bệnh là virus và điều tra sự biến đổi của môi trường và sự kết hợp giữa 2 tác nhân virus và vi khuẩn Rhabdovirus carpio

          3.3. Phòng và trị bệnh ở cá chép

          – Áp dụng biện pháp phòng bệnh như bệnh xuất huyết trên cá chép. Bệnh chưa có thuốc trị.

 

                     Đỗ Thành Luân –Trại thủy sản Phú Nhuận