KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC VƯỜN CÂY ĂN QUẢ ÔN ĐỚI PHỤC VỤ SẢN XUẤT HÀNG HÓA

Hiện nay, lượng tiêu thụ rau quả tươi nhiều năm qua theo xu hướng tăng ở tất cả quốc gia trên thế giới với xu hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng. Những tiêu chí được đặt lên hàng đầu đối với rau quả tươi gồm các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ, đặc sản và sản phẩm mới lạ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Người tiêu dùng cùng ngày càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường, từ trang trại đến bàn ăn. Tất cả yếu tố trên tác động đến các kênh phân phối từ bán lẻ đến bán buôn để ngày càng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, tính cạnh tranh trên thị trường.

Vườn lê VH6 sản xuất theo hướng an toàn tại Trại NC và SX rau quả Bắc Hà

Nhằm khuyến cáo một số giải pháp để vườn cây ăn quả đạt được các tiêu chí an toàn thực phẩm trước và trong khi xây dựng vườn trồng mới hoặc chăm sóc vườn cây kinh doanh cần phải tuân thủ một số nguyên tắc chính như sau:

 1. Đối với vườn cây ăn quả trồng mới (Thời kỳ kiến thiết cơ bản)

– Lựa chọn đất trồng: Nguyên tắc cơ bản của việc chọn đất là tầng đất canh tác phải đủ dày để bảo đảm bộ rễ cây phát triển tốt, độ dốc không quá 20o, gần nguồn nước tưới…

– Chọn cây giống:  Chọn mua cây giống tốt ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín, cơ sở được nhà nước chứng nhận có vườn cây mẹ đạt tiêu chuẩn. Cơ sở cung cấp cây giống không chỉ đảm bảo về chất lượng cây giống (đúng giống, kích cỡ cây giống đạt yêu cầu, tỷ lệ cây sống cao…) mà còn có đầy đủ các thông tin về lý lịch giống, cây giống, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định lâu dài đến hiệu quả sản xuất.

– Chuẩn bị hố và trồng cây: Chuẩn bị hố trồng trước khi trồng cây ít nhất 1 tháng. Kích thước, mật độ hố trồng tùy theo từng loại cây, tuy nhiên một số trường hợp có thể trồng dày hơn, thậm chí gấp 2 lần để vườn cây nhanh khép tán, cho năng suất thu hoạch cao những năm đầu. Sau đó, tỉa cây để cố định khoảng cách cây lâu dài. Sau khi trồng cây, việc tủ gốc giữ ẩm và cố định cho cây luôn đứng thẳng, không bị gió làm đổ ngã là công việc quan trọng nhất để đạt tỷ lệ cây sống cao và đồng đều

– Cây trồng xen canh: Loại cây trồng xen cần có một số đặc tính phù hợp để không cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với cây trồng chính như: Nhanh cho thu hoạch, chịu bóng, thấp cây, bộ rễ phát triển không quá mạnh. Chọn cây trồng xen có tác dụng hỗ trợ cho cây trồng chính như hạn chế xói mòn đất, hạn chế sâu bệnh hại, tăng hàm lượng mùn, đạm trong đất, giúp người trồng có thu nhập từ sớm, tái đầu tư chăm sóc vườn.

Chăm sóc, bón phân cho cây lê VH6

– Phân bón: Phân bón sử dụng cho vườn cây ăn quả trồng mới bao gồm phân phân chuồng hoai mục và phân vô cơ (Yếu tố quyết định đến chất lượng và độ bền, tuổi thọ của vườn cây). Phân vô cơ được dùng để bón lót và bón thúc sau khi trồng. Tuy nhiên, cần lưu ý độ pH đất phù hợp với đa số cây ăn quả là khoảng 6,0-6,5. Vì vậy, đối với đất chua phải bổ sung vôi bột bón lót để cân bằng độ pH đất.

2. Đối với vườn cây ăn quả ôn đới thời kỳ kinh doanh

– Quản lý bề mặt đất của vườn cây ăn quả: Chăm sóc cây và trồng xen cây ngắn ngày sao cho bề mặt đất vườn cây ăn quả ít bị xói mòn, không bị chai cứng, giữ và tăn độ phì tối đa. Một trong các giải pháp tốt là trồng cây che phủ đất cho vườn cây ăn quả là trồng một số loại cây họ đậu rất phù hợp cho che phủ đất như cây lạc dại, đậu lông, muồng hoa vàng… cũng có thể trồng cỏ ba lá, cỏ đuôi trâu vừa tạo mùn cho đất, làm xốp đất vừa tạo cảnh quan vườn quả đẹp.

– Quản lý dịch hại: Việc kiểm soát sâu hại cây ăn quả trước hết cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa như bắt bằng tay, bẫy bả, dùng thiên địch, sử dụng giống chống chịu, hệ thống canh tác phù hợp…Đối với bệnh hại cây ăn quả, có nhiều nguyên nhân gây ra như do nấm, vi khuẩn, vi rút, tuyến trùng… Tác động của thời tiết hay mất cân bằng dinh dưỡng (Thiếu dinh dưỡng hay bị ngộ độc) cũng có thể làm cho cây có triệu chứng như bị nhiễm bệnh. Vì vậy, người trồng cây ăn quả cần phải biết chính xác nguyên nhân để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh vườn cây, chăm sóc cho cây sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế rất nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, một số loại bệnh do nấm hại lá hay thối rễ cây khá phổ biến trên cây ăn quả cần sử dụng các loại thuốc hoá học trong danh mục cho phép và phun phòng định kỳ sẽ khống chế được bệnh.

Công tác vin cành, cắt tỉa cho cây ăn quả ôn đới tại tỉnh Lào Cai

– Phân bón và dinh dưỡng đất: Lượng phân bón hàng năm cho vườn cây ăn quả thường được tính toán trên cơ sở năng suất quả thu hoạch năm trước để tính lượng dinh dưỡng cây lấy đi từ đất, từ đó bổ sung dinh dưỡng cho đất. Trong sản xuất cây ăn quả hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần bón phân theo nguyên tắc: bón phân chuồng đã được ủ hoai mục, phân vô cơ không bón quá nhiều hoặc quá muộn khi sắp thu hoạch sẽ có nguy cơ tồn dư nitrat trong sản phẩm, tăng cường sử dụng phân vi sinh, phân bón qua lá…

– Thu hoạch và bảo quản:  Nguyên tắc cơ bản của công việc thu hoạch quả là thu hái đúng độ chín của quả phù hợp với tiêu thụ; thu hoạch quả vào buổi sáng khi trời khô ráo; quả sau thu hoạch phải đựng vào thùng chứa và đưa đi sơ chế, tiêu thụ hay bảo quản trong ngày. Thông thường, sản phẩm quả của một cơ sở sản xuất được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ được đóng nhãn mác có lôgô của tổ chức chứng nhận cấp để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn trên thị trường.

– Ghi chép và quản lý sổ sách: Phải ghi sổ sách các công việc triển khai ở vườn quả trong suốt quá trình từ trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Đây là tài liệu để các tổ chức chứng nhận quản lý, kiểm tra và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Đặc biệt, ghi chép đầy đủ các thông tin về mua, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như đã được các tổ chức chứng nhận hướng dẫn. Hồ sơ sổ sách được lưu trữ ít nhất trong 2 năm làm cơ sở và kinh nghiệm quản lý vườn sau này.

 ThS. Đinh Thị Thu Hà – P. Kỹ thuật