SỰ HIỆU QUẢ CỦA ỨNG DỤNG CƠ GIỚI HÓA VÀO SẢN XUẤT CÂY LÊ VH6 TẠI VÙNG CAO LÀO CAI

          Giai đoạn 2016-2018, trong chương trình dự án “Xây dựng mô hình phát triển giống Lê mới và Lê địa phương tại vùng Miền núi phía Bắc” của Hội Làm Vườn Việt Nam. Được sự chỉ đạo của sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, Trung tâm Giống Nông Nghiệp tỉnh Lào Cai đã phối hợp cùng Hội Làm Vườn Việt Nam triển khai dự án trên với quy mô 10ha trồng giống Lê VH6, dự án có tổng số 22 hộ dân tham gia trên địa bàn 2 xã Tả Phìn và Sa Pả thuộc thị xã Sa Pa.

          Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Hội Làm Vườn Việt Nam cung ứng cây giống Lê VH6 để trồng vào đầu năm 2017, tập huấn các lớp kỹ thuật theo quy trình trồng và chăm sóc cây Lê VH6 cho các hộ dân tham gia dự án. Sau khi kết thúc dự án năm 2018, Trung tâm Giống Nông nghiệp với chuyên môn và nhiệm vụ được giao, đã thường xuyên cử cán bộ đến từng hộ dân kiểm tra đồng ruộng thực tế, giám sát và tiếp tục hướng dẫn các hộ dân thực hiện chăm sóc vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật.

Làm cỏ, bón phân cho cây lê VH6

          Hộ gia đình ông Lý Phù Chìu (Đội 3, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, TX. Sa Pa) là 1 trong tổng số 22 hộ nhận được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống Nông nghiệp đã nhiệt tình tham gia dự án, mạnh dạn chuyển đổi 2ha trồng cây ngô và rau màu hàng năm sang trồng mới giống cây Lê VH6. Ông Lý Phù Chìu cho biết “Được sự quan tâm của nhà nước và giúp đỡ chuyển giao về kỹ thuật của Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai, gia đình chúng tôi đã tiến hành thuê máy xúc cải tạo 2ha đất đồi dốc trồng cây Ngô hàng năm thành bậc thang, đường đồng mức để trồng cây Lê VH6, trong quá trình trồng và chăm sóc gia đình luôn áp dụng đúng quy trình kỹ thuật như: Làm cỏ, bón phân, vin cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh hại. Đến nay 2ha Lê của gia đình tôi cây đều sinh trưởng khỏe và đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến mỗi cây cho từ 5 đến 7kg, năng suất vụ đầu toàn vườn dự kiến vào khoảng 4 – 6 tấn quả. Thời gian tới, sau khi kết thúc thu hoạch gia đình tôi sẽ tiến hành làm cỏ, bón phân trả lại đất và chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật đã được Trung tâm Giống Nông Nghiệp Lào Cai hướng dẫn, để cho cây sinh trưởng tốt đem lại năng suất cao hơn trong vụ sau”.

                                   

Cán bộ kỹ thuật trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc,

vin cành cho hộ gia đình ông Lý Phù Chìu

          Quyết tâm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất canh tác nên ngay từ bước đầu chuẩn bị mặt bằng vườn trồng cây, gia đình ông Chìu đã chủ động áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất bằng việc thuê máy xúc về cải tạo 2ha đất đồi dốc thành đất bậc thang (đường đồng mức) giúp vườn trồng cây có mặt bằng tốt, thuận lợi cho quá trình chăm sóc, hạn chế rửa trôi dinh dưỡng đất, đồng thời trong quá trình chuẩn bị, được sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật Trung tâm Giống, gia đình ông còn sử dụng máy xúc vào việc đào hố trồng cây, giúp cho nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí nhân công và quan trọng là hố trồng cây sẽ rộng hơn, việc bón lót đúng theo quy trình, tạo điều kiện cho rễ cây có môi trường tốt để phát triển về sau.

          Bằng việc áp dụng đúng kỹ thuật do Trung tâm Giống Nông Nghiệp chuyển giao như: Quy trình phân bón hàng năm theo tuổi cây, phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại và đặc biệt là kỹ thuật vin cành tạo tán cho cây Lê vào cuối năm với mục đích tạo bộ khung tán khỏe, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch và quan trọng hơn hết là kỹ thuật vin cành tạo tán vào cuối năm sẽ giúp cây trồng ức chế sinh trưởng đỉnh để dồn dinh dưỡng vào quá trình phân hóa mầm hoa, giúp tăng khả năng ra hoa và đậu quả trên cây Lê.

Giống Lê sau 3 năm trồng, năng suất trung bình từ 5 – 7 kg/ cây.

Đến nay, sau 4 năm trồng cây, tại hộ gia đình ông Lý Phù Chìu nói riêng cũng như các hộ dân tham gia vào dự án nói chung, cây Lê VH6 đều sinh trưởng rất tốt, bắt đầu ra quả và chuẩn bị cho thu hoạch. Đây là giống cây trồng xóa đói giảm nghèo do Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai chọn tạo thành công và trực tiếp tư vấn hướng dẫn kỹ thuật, đã bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân vùng cao./.

                                                                                  ThS. Vũ Văn Cường – Trại Sa Pa